Washington và Manila nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và các hoạt động an ninh chung vào năm tới.
Hải quân Mỹ hôm 13-9 tiến hành chiến dịch tự do hàng hải mới nhất ở biển Đông, dẫn đến phản ứng mạnh của Trung Quốc.
Cụ thể, theo Reuters, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã áp sát quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép). Phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết chiến dịch này nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền thái quá và phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó tuyên bố họ đã cảnh báo tàu chiến Mỹ, cũng như điều tàu quân sự và máy bay trong nỗ lực xua đuổi tàu USS Wayne E. Meyer.
Hôm 28-8, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer cũng di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ và cải tạo phi pháp. Chuyến đi này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc ra tuyên bố mạnh mẽ khác thường, theo đó cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện các "chiến thuật bắt nạt" tại biển Đông và "can thiệp mang tính cưỡng ép" đối với các hoạt động dầu khí diễn ra từ lâu tại vùng biển của Việt Nam.
Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer vừa tham gia chiến dịch tự do hàng hải mới nhất ở biển Đông Ảnh: Hải quân Mỹ |
Không dừng lại ở các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, quân đội Mỹ còn tiến hành các cuộc tập trận chiếm giữ sân bay và đảo trên biển Đông và biển Hoa Đông trong động thái được cho là nhằm phát đi thông điệp đến Bắc Kinh về sức mạnh quân sự của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo báo South China Morning Post, cuộc tập trận hải quân kéo dài từ ngày 9 đến 19-8 này được tiến hành gần Philippines và xung quanh đảo Okinawa của Nhật Bản, với sự tham gia của đơn vị lính thủy đánh bộ viễn chinh của Mỹ đồn trú tại Okinawa. Một số nhà quan sát cho rằng cuộc diễn tập như một lời cảnh báo gửi tới Bắc Kinh, theo đó quân đội Mỹ có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ xa nhà nếu Washington cảm thấy cần thiết phải can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
"Đó là một lời nhắc nhở rõ ràng cho Trung Quốc về sự vượt trội của sức mạnh quân sự Mỹ cho dù khoảng cách về năng lực quân sự giữa hai bên đang thu hẹp trong những năm gần đây" - ông Adam Ni, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường ĐH Macquarie (Úc), nhận định.
Tuyên bố của quân đội Mỹ không nói rõ liệu hải quân Philippines và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản có tham gia các cuộc tập trận hay không nhưng một số nhà phân tích cho rằng Washington có thể đã mời 2 đồng minh này quan sát chúng.
Trong bối cảnh tình hình biển Đông ngày càng nóng, Mỹ và Philippines hôm 13-9 nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và các hoạt động an ninh chung vào năm tới. Tại một cuộc họp quốc phòng song phương diễn ra thủ đô Manila - Philippines, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết hai bên đã nhất trí cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh khu vực như những người bạn, đồng minh và đối tác.
"An ninh quốc gia của chúng ta, trong đó có an ninh kinh tế, đang dựa vào một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, cũng như một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc" - ông Davidson nhấn mạnh.
Trong khi đó, phát biểu tại một diễn đàn ở Manila cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna cho rằng hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông đang gặp rủi ro nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Theo trang Bloomberg, Mỹ và Philippines đã lên kế hoạch tiến hành hơn 300 hoạt động hợp tác an ninh trong năm 2020, so với 281 hoạt động trong năm nay.
Hoàng Phương (NLĐO)