Tin tức

Mỹ muốn làm lớn chuyện tin tặc can thiệp bầu cử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) ngày 6-1 (giờ Washington) đã công bố bản báo cáo trong đó nhận định Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi tháng 11-2016. Các nhà phân tích cho rằng Chính quyền của Tổng thống Obama muốn sử dụng việc này để “gỡ gạc” nhiều thất bại trong chính sách đối ngoại.

Báo cáo chi tiết

Trong báo cáo giải mật dài 25 trang, giới chức tình báo Mỹ cho rằng, “Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch vào năm 2016 nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với mục đích làm xói mòn niềm tin của công chúng trong tiến trình dân chủ tại Mỹ”, “bôi nhọ” ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, làm tổn hại đến phiếu bầu cho bà. Báo cáo còn nhận định rằng, động thái của Mátxcơva là một phần trong chủ trương làm xói mòn “trật tự dân chủ tự do” tại Mỹ.

Báo cáo nói trên cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) của Nga đã sử dụng các công cụ trung gian như trang mạng WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để phát tán các bức thư điện tử thu thập được từ Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ, cũng như từ các chính khách Dân chủ hàng đầu khác.

 

Căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ liên quan đến bầu cử Mỹ
Căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ liên quan đến bầu cử Mỹ


Đây là bản báo cáo tình báo đầy đủ do cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu tháng 12-2016. Ngay sau khi báo cáo trên được công bố, nhiều nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại các ủy ban tình báo thuộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ tuyên bố văn kiện trên của cơ quan tình báo về việc Nga can thiệp tới cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là lý do để tiến hành một hành động đáp trả mạnh mẽ nhằm tránh để vụ việc tương tự tái diễn.

Ý kiến liên quan

Cho tới nay, Nga phủ nhận mọi cáo buộc của Chính phủ Mỹ về việc Nga tấn công mạng nhằm vào chiến dịch bầu cử tại Mỹ. Danh tính của các cơ quan Nga bị cáo buộc chịu trách nhiệm trực tiếp tấn công mạng nội bộ của đảng Dân chủ Mỹ không được nêu trong bản báo cáo.

Tuần trước, Tổng thống Obama đã ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga liên quan đến vụ tin tặc. Nhưng Nga đã không trả đũa. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét, người thua cuộc luôn tìm “vật tế thần” ở những nơi khác, ý nói đến việc đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Mỹ năm 2016.

Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Brookes viết trên tờ Boston Herald rằng chính sách an ninh đối nội và đối ngoại của Nhà Trắng trong 8 năm qua không có thành tích gì nổi bật. Vì vậy, Nhà Trắng muốn làm lớn vụ việc tấn công của tin tặc vào cuộc bầu cử Mỹ.

Theo ông Brookes, việc Mỹ cáo buộc Nga đứng sau cuộc tấn công tin tặc diễn ra trong bối cảnh Mỹ gần như không có vai trò nào trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ tình hình ở Syria. Ông Brookes cho rằng, để có di sản để lại, Chính quyền ông Obama có quá ít thời gian để “ghi bàn” về chính sách đối ngoại. Vì vậy khi có cơ hội ít ỏi, họ đã làm lớn chuyện. Thậm chí, theo ông, nếu các cuộc tấn công tin tặc nói trên do Nga chủ trương thì các biện pháp trả đũa của Mỹ cũng là quá muộn và không có tác dụng.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết, trong ngày 6-1 ông đã có cuộc gặp “mang tính xây dựng” với các thành viên của các cơ quan tình báo Mỹ và có kế hoạch bổ nhiệm một nhóm công tác để soạn thảo kế hoạch đối phó với các cuộc tấn công mạng trong vòng 90 ngày kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20-1 tới. Tuy nhiên, theo ông Trump, dù ai tấn công mạng thì cũng không làm thay đổi kết quả bầu cử. Ông Trump sau đó tiếp tục đổ lỗi cho sự “cẩu thả” của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ để xảy ra tấn công tin tặc.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm