Tin tức

Mỹ ra yêu sách 47 điểm đối với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tin trên được Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đưa ra trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình NHK ngày 17-6. Ông Taro Kono cho biết: “Nhà lãnh đạo Tối cao Triều Tiên đã đồng ý với Mỹ về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trước đó, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng, điều đó đồng nghĩa với việc Triều Tiên cần phải loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loại, bao gồm vũ khí hóa học và sinh học, các loại tên lửa và cơ sở hạ tầng có liên quan một cách minh bạch và không thể đảo ngược.

Trên tinh thần đó, Mỹ đã gửi một bản yêu sách 47 điểm tới Triều Tiên. Nếu những yêu cầu về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn không được thực hiện, các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sẽ không được dỡ bỏ. Tôi nghĩ, Triều Tiên hiểu rõ điều này”.

Cũng theo ông Kono, bản yêu sách của Mỹ bao gồm cả việc Triều Tiên phải hủy bỏ toàn bộ số tên lửa của mình, trong đó có những tên lửa có thể đe dọa đến an ninh của Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Bản bày tỏ tin tưởng, Bình Nhưỡng sẽ tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

“Tại Triều Tiên, cam kết của người đứng đầu luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là khi nó được thể hiện trên văn bản. Cam kết này được công bố công khai trong nước và tôi tin rằng, Triều Tiên chắc chắn sẽ giữ đúng cam kết của mình”, ông Kono nói.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, vị ngoại trưởng này cho biết, điều này vẫn chưa được thảo luận: “Những cam kết này có thể được trình bày dưới dạng văn bản, trong đó nêu rõ, Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên, đưa quân vượt qua vĩ tuyến 38 (ranh giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc) và thay đổi chế độ tại Triều Tiên. Cam kết này cũng có thể đưa ra trong khuôn khổ đa phương. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được bàn thảo”.

Ngoài ra, theo ông Kono, việc giảm quân số lính Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc cũng chưa được thảo luận ở thời điểm này: “Vấn đề này chỉ được bàn thảo nếu như tình hình an ninh trong khu vực có những biến chuyển nhanh chóng”. Ông Kino cũng cho biết, các nước sẽ hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên sau khi bình thường hóa quan hệ.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ngày 12/6, Mỹ và Triều Tiên đã ký một văn kiện chung, trong đó Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lấy việc Washington đảm bảo an ninh cho nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cam kết sẽ dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc, điều mà phía Triều Tiên đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu trong nhiều năm qua. Trong khi đó, ông Trump cho biết, ông chưa thảo luận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về sự hiện diện của quân nhân Mỹ tại Hàn Quốc. Hiện số lính Mỹ đồn trú tại đây vào khoảng 28.500 người.

Trần Khánh/VOV

Có thể bạn quan tâm