Tin tức

Mỹ rất thích ra các tối hậu thư: Cửa trên hay...cú chót?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Washington cho Ankara 2 tuần để hủy bỏ hợp đồng S-400 với Nga và chấp nhận mua các vũ khí của Mỹ để thay thế.
Ngày 21/5, hãng thông tấn NBC News đưa thông tin cho biết Washington đã đưa ra một tối hậu thư với Ankara. Trong vòng 2 tuần từ nay đến cuối tuần đầu tiên tháng 6, nếu Ankara không mua hệ thống Patriot của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hứng chịu những hậu quả thảm khốc.
Theo NBC News, những hậu quả này bao gồm loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, hủy bỏ 100 chiếc tiêm kích F-35 vốn đã cam kết cung cấp cho Ankara và áp đặt trừng phạt, tất cả đều có thể gây tổn hại cho vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
Ngày 22/5, Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov phát biểu với đài CNBC cho biết phía Nga đánh giá hành động này của Mỹ là rất tiêu cực và không phù hợp với những ứng xử giữa hai quốc gia, đặc biệt hai quốc gia có mối quan hệ đồng minh.
"Chúng tôi đánh giá việc này hết sức tiêu cực. Chúng tôi coi những tối hậu thư như vậy là không thể chấp nhận được. Đây là một sự áp đặt vô lý vào một quốc gia có đầy đủ chủ quyền. Và chúng tôi chỉ công nhận tuyên bố của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng hợp đồng S-400 đã hoàn tất, đã được thực hiện và chờ tới ngày bàn giao" - Ông Peskov cho biết.
 
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov
Người phát ngôn của Điện Kremlin nhấn mạnh, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã cử các đơn vị binh lính của họ sang Nga học vận hành hệ thống S-400 và điều này khẳng định sẽ không có bất kỳ điều gì thay đổi cho tương lai bản hợp đồng này.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, trước sự đe dọa từ Washington, liệu họ có thay đổi ý kiến? Thực tế các thông tin trong tối hậu thư đưa ra không mới. Thậm chí, ông Trump đã rất nhiều lần cảnh báo Ankara về các biện pháp trừng phạt được nêu trong tối hậu thư.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vững quan điểm của mình trước các vấn đề liên quan đến hợp đồng S-400. Các luận điểm mà phía Ankara đưa ra như sau: Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề nghị mua hệ thống Patriot nhưng Mỹ từ chối, vì thế họ phải tìm vũ khí để thay thế, và họ lựa chọn S-400.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 để bảo vệ mình, và bảo vệ toàn bộ châu Âu với vị trí địa lý là cửa ngõ vào châu Âu từ Trung Đông và tư cách chính trị là thành viên của NATO, đồng minh của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không làm gì phương hại đến các đồng minh của mình, đặc biệt là vấn đề lộ bí mật tác chiến của tiêm kích F-35.
Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có chủ quyền, và họ có quyền tự quyết đầu tư loại vũ khí nào để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích đồng minh. Ankara giữ quan điểm không cần nước thứ ba can thiệp vào các quyết định mang tính nội bộ của họ.
Cũng trong ngày 21/5, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ từ 50% xuống còn 25%, tương đương từ hơn 500 triệu USD xuống còn 250 triệu USD. Các loại thuế nhập khẩu này đánh vào những mặt hàng ô tô, rượu, xa xỉ phẩm, đồ công nghệ cao từ Mỹ vào Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Sẽ không có gì thay đổi với hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện điều này trong bối cảnh Mỹ vừa giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng sắt, thép của họ từ 50% xuống 25%. Từ đó để thấy, Ankara sẵn sàng đáp lễ Mỹ theo quan điểm có đi có lại.
Ở một hướng khác, Ankara thời gian qua đã tích cực bán tháo dự trữ USD và đầu tư vào tích lũy vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Đồng thời sử dụng đồng nội tệ để giao dịch làm ăn với các đối tác, thay vì sử dụng đồng tiền USD để thanh toán quốc tế. Do đó, phải thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước chuẩn bị để đối phó với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Giữa Washington và Ankara có lời hứa thúc đẩy phát triển thương mại song phương đạt con số 75 tỷ USD/năm. Vì thế, trong bối cảnh trừng phạt nặng tay với Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế Mỹ hứa hẹn cũng chịu nhiều tác động nặng nề. Do đó, có nhiều lý do để Ankara không cần quan tâm đến những lời đe dọa từ tối hậu thư của Mỹ.
Ông Trump có phong cách chính trị khá đặc biệt và là người thích đưa ra các tối hậu thư. Ông từng đe dọa Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức và chuyển giao quyền lực nếu không sẽ sử dụng sức mạnh quân sự với Venezuela, gần đây nhất là Iran và bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông từng đe dọa châu Âu phải ngừng hợp tác với Huawei, từng tối hậu thư cho Trung Quốc phải chấp nhận những điều kiện của Mỹ nếu không muốn bị áp thêm thuế,... Ông Trump có lẽ là vị Tổng thống thích sử dụng tối hậu thư nhất trong những đời Tổng thống Mỹ gần đây, kể từ thời G.W Bush.
Tuy nhiên, kết quả của những lá thư tối hậu này dường như đều không được như mong muốn.
Minh Hoàng (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm