Tin tức

"Mỹ sẽ giám sát tình hình biển Đông"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 11-8, một quan chức ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẽ giám sát tình hình biển Đông để xem các nước có thực hiện những bước giảm căng thẳng hay không.
 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Úc Julie Bishop tại Sydney
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Úc Julie Bishop tại Sydney


Theo Reuters, tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Úc cùng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel để thảo luận tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh mạng với Úc.

Quan chức trên cho biết Úc ủng hộ hoàn toàn việc Ngoại trưởng Kerry đề xuất các bên ngừng hành động gây căng thẳng trên biển Đông ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) tại Myanmar cuối tuần qua.

Ông Kerry và Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã hội kiến tại Myanmar. Dự kiến các cuộc hội đàm tại Úc sẽ tập trung vào việc hợp tác phòng thủ tên lửa, an ninh mạng và an ninh hàng hải. “Đây là cơ hội để hai bên mở rộng hợp tác an ninh”- quan chức trên cho biết.

Tại Úc, các bộ trưởng sẽ ký thỏa thuận triển khai lính thủy đánh bộ Mỹ tới Úc để tập trận chung và tập huấn. Khoảng 1.150 binh sĩ Mỹ hiện đang đóng ở Darwin thuộc miền bắc Úc theo một thỏa thuận từ năm 2011.

Đây là một phần trong chiến lược “xoay trục châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ “thổi bùng căng thẳng” biển Đông

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích Mỹ “cố tình thổi bùng căng thẳng” trên biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM-47) ở Myanmar hôm qua.

Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại Myanmar, ông Vương Nghị tuyên bố: “Một số nước bên ngoài khu vực đang thổi bùng căng thẳng. Phải chăng ý định của họ là tạo ra sự hỗn loạn trong khu vực?”

Tân Hoa xã và Trung Quốc nhật báo đều khẳng định lời chỉ trích của ông Vương Nghị nhắm thẳng vào Mỹ. Ở Myanmar, ông Vương Nghị đã bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là các nước khu vực cần lập tức dừng các hành động gây bất ổn trên biển Đông.

Tại cuộc họp ở Myanmar, Ngoại trưởng Trung Quốc còn cho rằng “có kẻ đã cố tình thổi phồng căng thẳng” trên biển Đông. Trong cuộc đối thoại giữa ông Vương Nghị và ông Kerry ở Myanmar hôm 9-8, ông Kerry đã đến trễ một chút. Khi đó ông Vương đã vùng vằng chỉ trích ông Kerry đến muộn.

Tại Myanmar, các ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên  bố chung kêu gọi kiềm chế, không gây căng thẳng trên biển Đông. Các ngoại trưởng yêu cầu Trung Quốc và ASEAN phải đàm phán thực chất để xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Các quan chức Mỹ có mặt ở hội nghị ASEAN mô tả ASEAN "lo ngại chưa từng thấy” vì các hành động gây bất ổn của Trung Quốc.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm