Tin tức

Mỹ-Trung Quốc: Nhất trí là...không nhất trí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngoài việc bên này nói rõ cho bên kia biết về quan điểm chính sách của mình ra, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong thực chất đâu vẫn đấy như đến nay sau chuyến công du của thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman.

 Ảnh GlobalTimes
Ảnh GlobalTimes


Không chuẩn xác khi coi cuộc gặp giữa bà Sherman và người đồng cấp ở Trung Quốc thuộc diện các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước. Cả bà Sherman lẫn người đồng cấp Trung Quốc đều không thuộc diện có đủ thẩm quyền để quyết định mọi chuyện ngay trong cuộc thương thảo.

Cho nên có thể thấy được ngay mục đích chuyến công du Trung Quốc này của bà Sherman không phải để giải quyết các vướng mắc lâu nay trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vì hai người này không thể giải quyết nổi mà chỉ để giữ cầu tiếp xúc và đối thoại trực tiếp giữa hai bên. Cách xử lý quan hệ song phương này của Mỹ và Trung Quốc tương tự như cách Mỹ và Nga xử lý quan hệ giữa hai nước với việc tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau ở Geneva (Thuỵ Sỹ) hồi giữa tháng 6 vừa qua.

Bên này chỉ rõ cho bên kia biết về chỉ giới đỏ với sự răn đe là chớ có vượt qua và cả hai cùng phát đi thông điệp là bất hoà song phương dẫu có trầm trọng đến mấy thì tiếp xúc và đối thoại vẫn được duy trì, vì thế nên bất ngờ và đột biến tích cực trong mối quan hệ song phương này vẫn luôn có thể xảy ra ở thời kỳ tới, kể cả cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài điều trên ra, kết quả của sự kiện nói trên là Trung Quốc và Mỹ nhất trú với nhau rằng mọi chuyện khác đều vẫn bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản. Trung Quốc cần duy trì tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Mỹ để duy trì được cơ chế kiểm soát và quản lý diễn biến của quan hệ song phương, để kìm hãm phía Mỹ tăng cường gây hấn và leo thang căng thẳng với Trung Quốc cũng như để phân hoá Mỹ với các đồng minh và đối tác mà Mỹ tìm cách tập hợp lại xung quanh Mỹ thành liên quân đối phó Trung Quốc. Phía Trung Quốc giờ ý thức được rằng không thể đối phó ông Biden bằng phương cách đã vận dụng để đối phó người tiền nhiệm của ông Biden.

Ông Biden gay gắt với Trung Quốc và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc quyết liệt còn hơn người tiền nhiệm nhưng cũng chính vì thế mà càng có nhu cầu duy trì tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Mỹ ở cả cấp thấp lẫn cấp cao.

Lý do đơn giản là Mỹ vẫn cần sự hợp tác của Trung Quốc trong nhiều chuyện liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ như bảo vệ khí hậu trái đất, vấn đề Đài Loan, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên cũng như có nhu cầu phân hoá Trung Quốc với Nga và Triều Tiên.

Điều này có thể thấy rất rõ ở hai diễn biến khác nữa. Thứ nhất, bà Sherman ở lần công cán châu Á này không chỉ có đến Trung Quốc mà còn thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Có thể thấy Mỹ rất coi trọng việc gây dựng cục diện và thế đứng có lợi nhất cho Mỹ và giúp Mỹ có thể dễ ứng xử nhất ở khu vực Đông Bắc Á.

Thứ hai, ngay trước khi bà Sherman đến Trung Quốc, ông Biden không những chỉ cáo buộc Trung Quốc rất nặng nề về hậu thuẫn và dung túng các cuộc tấn công mạng nhằm vào doanh nghiệp của Mỹ mà còn tập hợp được cả EU, Nato, Canada, Anh, Nhật Bản, Australia và New Zealand thành liên quân thực thụ cùng mở cuộc chiến với Trung Quốc trên lĩnh vực an ninh mang.

Trung Quốc sẽ còn bị Mỹ gây khó khăn và khó xử nữa trong thời gian tới. Nhưng rõ ràng là Mỹ và Trung Quốc không để cho quan hệ song phương trượt dốc vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ. Hai bên xô đẩy nhau vào thời kỳ quan hệ song phương rất đặc biệt là khẩu chiến theo tình cảm trong khi hành động theo lý trí.

Ông Biden và ông Tập Cận Bình rồi sẽ sớm gặp nhau, nhưng kết quả của sự kiện ngoại giao lớn này sẽ na ná như kết cục cuộc gặp vừa qua giữa ông Biden và ông Putin.

https://danviet.vn/my-trung-quoc-nhat-tri-lakhong-nhat-tri-20210729063924583.htm
 

Theo Đại sứ Trần Đức Mậu  (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm