Tin tức

Mỹ: Trung Quốc "thao túng" dòng chảy sông Mekong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng việc Trung Quốc thao túng dòng chảy sông Mekong, hiện ở mức thấp kỷ lục, là thách thức cấp bách đối với ASEAN.
Ông Stilwell hôm 3-9 nhấn mạnh trong một hội thảo trực tuyến: "Một trong những thách thức đặc biệt cấp bách là sự thao túng của Trung Quốc đối với dòng chảy trên sông Mekong để phục vụ lợi ích của riêng họ gây thiệt hại lớn cho những nước cuối nguồn".
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại báo cáo gần đây ghi nhận Trung Quốc đã thao túng dòng chảy trên sông Mekong trong 25 năm qua. Ông Stilwell nhấn mạnh sự xáo trộn to lớn của dòng chảy tự nhiên xảy ra cùng lúc với việc xây dựng và vận hành đập thủy điện quy mô lớn.
Bình luận của ông Stilwell là bằng chứng mới nhất cho thấy con sông dài 4.350 km, nơi 60 triệu người Đông Nam Á sống phụ thuộc vào, đã trở thành mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.

Một ngư dân ở bên bờ sông Mekong. Ảnh: Reuters
Một ngư dân ở bên bờ sông Mekong. Ảnh: Reuters
Theo ông Stilwell, sông Mekong hiện ghi nhận mực nước thấp kỷ lục và tình trạng này đã tàn phá mùa màng, đe dọa an ninh lương thực, lượng nước trong toàn khu vực và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn rất lớn. Ngoài ra, quan chức này cũng cho biết Mỹ đang làm việc với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, Ủy ban sông Mekong và các đối tác quốc tế để đảm bảo Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi minh bạch dữ liệu dòng nước.
Ông Stilwell cho hay: "Một thách thức đặc biệt cấp bách là việc Trung Quốc thao túng các dòng chảy của sông Mekong vì lợi nhuận của chính họ nhưng người phải trả giá cho việc này lại là các nước ở cuối nguồn".

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell. Ảnh: Reuters
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell. Ảnh: Reuters
Theo báo cáo thực hiện dưới sự ủy quyền của Tổ chức Đối tác Cơ sở hạ tầng Bền vững của Liên Hiệp Quốc và Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, Tổ chức Eyes on Earth (Mỹ) kết luận các con đập của Trung Quốc đã giữ lại 47 tỉ mét khối nước.
Trong khi đó, một nghiên cứu từ phía Trung Quốc lại cho rằng các con đập của nước này giúp giảm bớt các vấn đề hạn hán của khu vực sông Mekong nhờ giải phóng lượng nước tích trữ từ mùa mưa vào thời điểm dòng chảy thấp.
Nhiều khả năng vấn đề sông Mekong được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) dự kiến diễn ra tuần tới với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN và các đồng cấp Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ.
Xuân Mai (Theo SCMP/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm