Tin tức

Mỹ - Trung 'thổi lửa' vào khu vực Đông Á

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chưa đầy 24 giờ sau khi Trung Quốc thông báo trừng phạt Lockheed Martin và nhiều công ty quốc phòng Mỹ, rạng sáng 27-10 rộ tin Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt thương vụ mới bán 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon cho Đài Loan.
 
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ phóng tên lửa Harpoon. Đây là loại tên lửa Mỹ muốn bán cho Đài Loan để bảo vệ bờ biển - Ảnh: Reuters
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ phóng tên lửa Harpoon. Đây là loại tên lửa Mỹ muốn bán cho Đài Loan để bảo vệ bờ biển - Ảnh: Reuters
Thương vụ tiềm năng này trị giá 2,37 tỉ USD, nhiều hơn thương vụ 1,8 tỉ USD bán 3 hệ thống vũ khí khác cho Đài Loan được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt cách đó vài ngày.
Nóng eo biển Đài Loan
"Thương vụ bán hệ thống Harpoon sẽ giúp cải thiện an ninh của bên nhận và hỗ trợ duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự trong khu vực" - Bộ Ngoại giao Mỹ nói ngày 27-10.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phản ứng mạnh: "Phát đi tín hiệu sai tới lực lượng đòi ly khai Đài Loan sẽ làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ Mỹ - Trung và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan", đồng thời đe dọa "sẽ trả đũa cần thiết".
Với việc Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt các thương vụ trên và thông báo chính thức, Quốc hội Mỹ có 30 ngày để bác bỏ. Tuy nhiên, Hãng tin Reuters đánh giá việc bác bỏ khó có thể xảy ra khi cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang ủng hộ chuyện bảo vệ đảo Đài Loan.
Trong thương vụ 100 hệ thống phòng thủ trên, có 400 tên lửa RGM-84L-4 Harpoon Block II với tầm hoạt động khoảng 125km do Tập đoàn Boeing sản xuất. Tên lửa Harpoon có khả năng tấn công tàu và cả mục tiêu trên bộ.
Văn phòng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã ra tuyên bố cảm ơn Mỹ về thương vụ và cho biết động thái này giúp "tăng năng lực chiến tranh phi đối xứng". Đài Loan nói rằng các thương vụ vũ khí được phê duyệt cho thấy chuyện phòng thủ của hòn đảo này "rất quan trọng" với Chính phủ Mỹ.
Nhiều tháng qua, tiêm kích và máy bay ném bom Trung Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan với tần suất chưa từng có. Bắc Kinh cũng tung ra nhiều đoạn phim tuyên truyền cho thấy các cuộc tấn công mô phỏng nhắm vào những vùng lãnh thổ giống với Đài Loan và cả căn cứ Mỹ ở đảo Guam.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Do đó, nỗi lo về các ý định của Bắc Kinh đang tăng lên.
Giờ đây các chiến lược gia Mỹ, gồm chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ Richard Haass thúc giục Washington "làm rõ chiến lược" và cần cảnh báo Bắc Kinh rằng một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ vấp phải phản ứng quân sự của Mỹ.
Mỹ - Nhật tập trận
Ở phía bắc Đài Loan, hôm 26-10 các lực lượng thuộc Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và các đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bắt đầu cuộc tập trận chung có tên "Thanh gươm sắc bén 21". Cuộc tập trận diễn ra trên không, trên biển và trên bộ, kéo dài tới 5-11.
Đây là cuộc tập trận quân sự lớn đầu tiên dưới thời tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Theo Hãng tin Reuters, cuộc tập trận với sự tham gia của hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và 46.000 quân nhân là màn "biểu dương lực lượng" trước các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
"Thanh gươm sắc bén 21" đã thu hút sự chú ý từ phía Trung Quốc khi một ngày trước cuộc tập trận, tờ Thời Báo Hoàn Cầu đăng bài viết: "Tập trận Mỹ - Nhật gửi "tín hiệu nguy hiểm" tới các nước láng giềng".
Giáo sư Lý Hải Đông từ Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ muốn dùng Nhật Bản làm quân cờ để kiềm chế Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Mỹ - Nhật đang cho thấy việc nhắm đến Trung Quốc ngày càng rõ ràng và công khai hơn. Họ đang có các hoạt động chuẩn bị quân sự cho các cuộc xung đột với Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư" - ông Lý nói.
Trong khi đó, việc lần đầu tiên kể từ năm 2000 một lãnh đạo Trung Quốc - Chủ tịch Tập Cận Bình - có bài phát biểu về Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trong lễ kỷ niệm Trung Quốc đưa quân tham gia cuộc chiến này làm dấy lên lo ngại tại Hàn Quốc.
Bài phát biểu gọi đây là cuộc chiến chống lại "những kẻ xâm lược theo chủ nghĩa đế quốc", gây ra phản ứng mạnh từ Mỹ và Hàn Quốc.
"Bán đảo Triều Tiên bị kẹt giữa một cuộc Chiến tranh lạnh bằng lời" - báo Korea Times của Hàn Quốc đầu tuần này nhận định.
Mỹ - Ấn xích gần
Không chỉ khu vực Đông Á nóng, Hãng tin AFP ngày 27-10 đưa tin "Mỹ đưa mối đe dọa Trung Quốc vào trung tâm cuộc đàm phán ở Ấn Độ", khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có mặt tại đây.
"Hôm nay là cơ hội mới để Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn" - ông Pompeo nói. Ông vạch ra một loạt vấn đề mà hai bên quan tâm, từ "hợp tác về đại dịch COVID-19 bắt nguồn ở Vũ Hán" tới "đối đầu mối đe dọa của Trung Quốc với an ninh, tự do" và "thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực".
BẢO ANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm