(GLO)- Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar phát đi thông báo ngày 31-12, quân đội nước này đã gia hạn thỏa thuận ngừng bắn với các tổ chức vũ trang sắc tộc (EAO) cho đến cuối năm 2023. Tính đến tuyên bố này, quân đội Myanmar đã 21 lần gia hạn thỏa thuận ngừng bắn với EAO trong thời gian từ 21-12-2018 đến ngày 31-12-2022.
Tướng Min Aung Hlaing- lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar. Ảnh: Reuters |
Mời các tổ chức trên tham gia hòa đàm hôm 22/12, Chủ tịch Hội đồng điều hành nhà nước Myanmar (SAC)- Tướng Min Aung Hlaing đã có cuộc đàm phán với đại diện của 10 EAO. Trong số các EAO tham gia đàm phán, có 7 EAO ký kết thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA), 3 EAO không đồng ý ký thỏa thuận.
Cũng trong ngày 31-12, chính quyền quân sự Myanmar thông báo tạm dừng lệnh giới nghiêm trong 4 giờ để tổ chức các hoạt động chào mừng năm mới 2023 tại 3 thành phố lớn nhất của nước này.
Chính quyền vùng Yangon dỡ bỏ giới nghiêm từ nửa đêm tới 4 giờ sáng (theo giờ địa phương), hoạt động đón chào năm mới có màn bắn pháo hoa và trình diễn âm nhạc tại Công viên Nhân dân.
Người dân ở thủ đô Naypyidaw và thành phố Mandalay lớn thứ hai đất nước cũng xác nhận lệnh giới nghiêm sẽ được tạm dừng.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters cho biết cựu cố vấn nhà nước Myanmar- bà Aung San Suu Kyi bị kết án thêm 5 tội tham nhũng và 7 năm tù giam sau phiên tòa xử kín ngày 30/12. Các nguồn tin của Reuters cho biết tại phiên tòa kín, bà San Suu Kyi bị buộc tội tham nhũng liên quan tới việc cho thuê và sử dụng một chiếc trực thăng.
Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt phiên tòa liên quan tới bà Aung San Suu Kyi- chính trị gia nổi bật của chính quyền dân sự Myanmar trước đây.
Bà Aung San Suu Kyi là chủ nhân của một giải Nobel Hòa bình, từng được xem là lãnh đạo trên thực tế ở Myanmar, nhưng bị phế truất sau chính biến tháng 2/2021.
Bà San Suu Kyi được biết vẫn trong tình trạng khỏe mạnh, nhưng sẽ đối mặt với thời gian ngồi tù lâu dài. Bản án mới nhất bổ sung thành 26 năm tù mà chính trị gia này phải nhận kể từ tháng 12/2021.
Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar "chấm dứt hành động thù địch" và trả tự do cho tất cả những nhân vật chính trị bị giam giữ, gồm cả bà San Suu Kyi.
T.S (từ TTXVN, Tuổi trẻ online)