Năm 2023, WEF 53 nỗ lực ổn định và bền vững kinh tế thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với chủ đề "Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh", Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 53 tại Davos (Thụy Sĩ) khép lại sau 5 ngày làm việc liên tục ( kết thúc ngày 20/1) với hàng trăm phiên họp chính thức và phi chính thức, các cuộc đối thoại bên lề, đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến được đánh giá là thiết thực và hữu ích nhằm thúc đẩy hợp tác về các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu, công nghệ, việc làm, sức khỏe, đầu tư, thương mại, cơ sở hạ tầng và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực.
P
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự WEF 53 tại Thụy Sỹ. Ảnh: Hồng Phong

Hội nghị thu hút sự tham gia đông nhất từ trước đến nay của khu vực tư nhân, với hơn 1.500 nhà lãnh đạo từ trên 700 tổ chức, bao gồm hơn 600 CEO hàng đầu thế giới. Họ là thành viên và đối tác của WEF trong các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, năng lượng, vật liệu và cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông.

Theo lời Chủ tịch Diễn đàn, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay được tổ chức trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất từ hàng chục năm trở lại đây. Kinh tế thế giới phân mảnh thành từng khối riêng biệt, hạn chế giao thương với nhau.

Chương trình của Hội nghị WEF năm nay tập trung vào các giải pháp và hợp tác công tư để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới. Hội nghị khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với nhau về các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu, đầu tư, thương mại, công nghệ tiên tiến... và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực. Vấn đề cấp bách được quan tâm nhiều nhất lại là một chủ đề ngắn hạn: làm thế nào để nhanh chóng kiềm chế lạm phát.

Phát biểu bên lề hội nghị, Chủ tịch toàn cầu của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, ông Bob Moritz cho rằng ngay cả những doanh nghiệp hoạt động tốt trong năm 2022 vẫn có thể sẽ phải chứng kiến một năm nhiều thách thức hơn ở phía trước. Kết quả cuộc khảo sát do WEF thực hiện cũng cho thấy hơn 60% các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực công và tư đều dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Những lực cản đáng kể đối với hoạt động kinh doanh bao gồm chi phí vay tăng cao, chi phí đầu vào tăng cũng tương tự, tình trạng thiếu hụt nhân tài và sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây tác động đáng kể.

Giá năng lượng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là ở châu Âu, đe dọa khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất, đồng thời có nguy cơ chuyển hướng chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh ra khỏi khu vực. Các hệ thống năng lượng đã trải qua một loạt cú sốc, buộc nhiều chính phủ phải can thiệp để bảo vệ người dân và các công ty giảm bớt tác động do giá cả tăng vọt, trong khi cạnh tranh để củng cố an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra phải kể tới lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng. Lạm phát nằm trong số 5 rủi ro toàn cầu hàng đầu và chủ yếu ở các nước đang phát triển nơi thu nhập thấp phổ biến.

Trong khi thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, ước tính có khoảng 2,3 tỷ người không được tiếp cận đầy đủ lương thực và tỷ lệ lạm phát toàn cầu vào cuối năm 2022 ước tăng lên 7,5%. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi một cuộc khủng hoảng nguồn nước sắp xảy ra, với hạn hán và lũ lụt tiếp tục đe dọa sản xuất lương thực và sức khỏe con người. Đây cũng chính là nội dung của phiên thảo luận Kết nối Lương thực – Năng lượng – Nguồn nước mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là diễn giả chính.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề lương thực, năng lượng, nguồn nước đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và hệ thống; trong đó, cần thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp trong giải quyết mối quan hệ giữa lương thực, năng lượng và nguồn nước; gắn vấn đề hệ sinh thái - lương thực - năng lượng - nguồn nước với vấn đề biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Theo một báo cáo mới được công bố tại WEF 2023, những quốc gia giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực có thể thúc đẩy việc làm, sức khỏe cộng đồng và thiên nhiên môi trường, đồng thời đạt được các mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới có nhiều khủng hoảng và thách thức, Việt Nam được thế giới thừa nhận là một điểm sáng của khu vực và quốc tế, không chỉ với cam kết mạnh mẽ và triển khai nhất quán chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số nhằm hồi phục sau đại dịch và phát triển bền vững, mà còn đạt được những kết quả ấn tượng: tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong 12 năm qua, quy mô nền kinh tế lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD và xếp thứ 30 trên thế giới; quy mô thương mại đứng thứ 23 trên thế giới và trở thành đối tác thương mại lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của 3 trung tâm kinh tế (Mỹ, Trung Quốc, EU). Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam được dự báo đạt 6,3%, dẫn đầu các nước Đông Nam Á.

Việt Nam luôn coi WEF là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo chính phủ với các tập đoàn hàng đầu thế giới; trân trọng và đánh giá cao tổ chức này quan tâm đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực phát triển bền vững, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và mong muốn trong thời gian tới Diễn đàn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tri thức và nguồn lực tiên tiến nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững và tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Chủ tịch sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab, cũng khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam và hợp tác giữa Việt Nam và WEF luôn được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy và phát triển.

TS ( từ TTXVN, VTV, Zingnews.vn)

Có thể bạn quan tâm