Đáng lưu ý, có không ít dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 2 mặc dù đây là tháng có đợt nghỉ Tết Nguyên đán, đó là: dự án Trina Solar Cell tại Thái Nguyên, dự án Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh.
Công nhân Công ty Minh Nguyên tại Khu Công nghệ cao TPHCM trong khâu kiểm tra chi tiết sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đã có hàng loạt dự án FDI được cấp phép trong lĩnh vực sử dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động. Trong đó, Đồng Nai là địa phương có hoạt động thu hút đầu tư sôi động nhất. Địa phương này đã cấp phép cho 27 dự án đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dự án cấp mới và tăng vốn) với tổng vốn đầu tư 439 triệu USD.
Thu hút vốn FDI tiếp tục là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, mỗi khi đề cập đến cơ cấu của nền kinh tế, luôn có những e ngại nhất định về sự phụ thuộc quá lớn vào FDI. Một chuyên gia kinh tế - doanh nhân đã kỳ công tập hợp số liệu về tiếp nhận FDI của các nước ASEAN và một số cường quốc kinh tế trên thế giới giai đoạn 1990-2022, cho biết, trong giai đoạn nêu trên, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều tiếp nhận số vốn FDI lớn hơn Việt Nam. Riêng Singapore, tổng FDI lên đến 1.387 tỷ USD, lớn gấp 6,5 lần Việt Nam. Mỹ, tuy là nền kinh tế có mức đầu tư ra nước ngoài “khủng”, cũng lại là nền kinh tế tiếp nhận FDI lên đến 7.470 tỷ USD, cao gấp 34,68 lần Việt Nam. Ở hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp FDI luôn là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế.
Điều đáng quan tâm thực sự ở đây chính là việc đa dạng hóa các nhà đầu tư để không quá lệ thuộc vào một đối tác nào. Bên cạnh các đối tác truyền thống trong khu vực, Việt Nam cần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới có tiềm năng, sở hữu công nghệ tiên tiến. Thực tế 2 tháng đầu năm vẫn không khác với thời gian trước. Các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam đều là đối tác truyền thống đến từ châu Á. Chỉ 5 đối tác dẫn đầu (Singapore, Hồng Công, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) đã chiếm tới 77% số dự án đầu tư mới và gần 85,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Trong khi đó, dù các nhà đầu tư Mỹ đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 12 dự án mới nhưng tổng vốn đăng ký lại chỉ đạt 3,22 triệu USD. Tuy có nhỉnh hơn nhưng các nhà đầu tư châu Âu cũng chưa mạnh dạn rót vốn vào Việt Nam. Anh, cao nhất khối châu Âu, cũng chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 36,2 triệu USD.
Muốn nâng cao chất lượng FDI như định hướng của Đảng, Nhà nước, muốn không quá bị lệ thuộc vào một vài đối tác, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư phải được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Cùng với đó là tìm hiểu kỹ “khẩu vị đầu tư” của các nhà đầu tư khác nhau, đặc biệt là các nền kinh tế Âu - Mỹ để tìm cách đáp ứng. Môi trường đầu tư “nâng hạng” sẽ tạo điều kiện thuận lợi, không chỉ cho các doanh nghiệp FDI mà cả các doanh nghiệp Việt Nam, để mọi thành phần kinh tế cùng hoạt động “đều tay”, cùng lớn mạnh.