Tin tức

NATO tiến hành bước đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen vừa công bố "bước đầu tiên" của kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Chicago hôm 20-5 (tức 21-5 theo giờ Việt Nam).

Thông báo với các phóng viên, ông Rasmussen cho biết, “tại Hội nghị ở Lisbon, chúng tôi đã thỏa thuận thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Và hôm nay, chúng tôi tuyên bố kế hoạch ấy đã trở thành hiện thực, chúng tôi gọi hệ thống này là “Năng lực tạm thời”.

 
Tổng thống Obama và Tổng Thư ký NATO Rasmussen tại Hội nghị NATO tại Chicago.
Tổng thống Obama và Tổng Thư ký NATO Rasmussen tại Hội nghị NATO tại Chicago.

Đồng thời, trên trang web của mình, NATO cũng cho biết, sau thoả thuận được đưa ra tại Lisbon, NATO đã bắt tay vào phát triển hệ thống chỉ huy và kiểm soát có khả năng kết nối với các thiết bị phòng thủ tên lửa của các nước đồng minh thành một hệ thống thống nhất.

"Đó là bước đầu tiên trong mục tiêu lâu dài mà chúng tôi hướng tới là xây dựng được một hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng bảo vệ cho toàn bộ dân số châu Âu cũng như các thành viên NATO. Hệ thống của chúng tôi sẽ tích hợp các thiết bị phòng thủ tên lửa từ các đồng mình khác nhau, vệ tinh, tàu, radar và tên lửa đánh chặn thành một hệ thống thống nhất dưới sự chỉ huy và kiểm soát của NATO ".

Ông Rasmussen cũng cho biết, hệ thống này sẽ cho phép NATO có thể chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Cũng trên trang web của mình, NATO cho biết, hệ thống có tên gọi “Năng lực tạm thời” đã được thử nghiệm và lắp đặt tại căn cứ của NATO ở Ramstein, Đức. Các nước đồng minh sẽ cung cấp hệ thống cảm biến và máy bay đánh chặn để kết nối với hệ thống này.

Hệ thống này dự kiến được đưa vào hoạt động khoảng năm 2020.

Nga và NATO đã đồng ý hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại  Hội nghị Thượng đỉnh ở Lisbon diễn ra tháng 11-2010. NATO khẳng định nên có hai hệ thống trao đổi thông tin độc lập, trong khi Nga ủng hộ một hệ thống chung với đầy đủ khả năng tương tác.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga, Tướng Nikolai Makarov hồi đầu tháng 5-2012 cho biết, Nga không loại trừ việc sử dụng tới các loại vũ khí chiến lược để chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu. Tuy nhiên đây sẽ là phương sách cuối cùng.

Dự kiến ​​hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu có thể đưa vào hoạt động năm 2020, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga, Bí thư Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết.

Mỹ và NATO đã đồng ý để phát triển hệ thống tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Lisbon vào năm 2010. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Nga và liên minh này đã thất bại khi NATO không đưa ra một sự đảm bảo về mặt pháp lý với Nga rằng hệ thống này không nhằm mục đích chống lại vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.

NATO và Mỹ chỉ khẳng định “miệng” rằng hệ thống lá chắn tên lửa sẽ bảo vệ các thành viên NATO chống lại các tên lửa từ Triều Tiên và Iran, chứ không ảnh hưởng đến Nga.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm