Tin tức

Nepal tiến hành cuộc bầu cử địa phương đầu tiên sau 20 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 14-5, các cử tri ở Nepal đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương đầu tiên trong 20 năm qua ở nước này.

Cuộc bầu cử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc củng cố nền dân chủ trong bối cảnh vẫn có biến động chính trị ở quốc gia vùng Himalaya này.

 

Cử tri Nepal bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Kathmandu.
Cử tri Nepal bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Kathmandu.

Ủy ban bầu cử Nepal cho hay giai đoạn bầu cử đầu tiên diễn ra trong bầu không khí hòa bình ở 281 trong số 283 điểm bầu cử ở tỉnh 3, 4 và 6.

Tổng cộng có 4,9 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử đầu tiên này. Trong khi đó, gần 50.000 ứng cử viên sẽ ganh đua giành các vị trí thị trưởng, phó thị trưởng, chủ tịch xã, phường và các thành viên trong hội đồng xã, phường ở 281 địa phương.

Việc chưa có các đại diện được bầu ở các cơ quan địa phương của Nepal trong thời gian qua đã gây cản trở cho việc phát triển của các làng và thị trấn trên khắp nước này, trong đó có thành phố thủ đô Kathmandu.

Lẽ ra, các cuộc bầu cử này được tiến hành 5 năm một lần nhưng do bất ổn chính trị nên vẫn bị đình trệ từ tháng 5/1997 đến nay.

Trước đó, ngày 13-5, Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal đã kêu gọi các cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu của mình thông qua việc tham gia cuộc bầu cử lần này.

Cuộc bỏ phiếu được chia làm 2 giai đoạn do bất ổn tại khu vực đồng bằng miền Nam giáp Ấn Độ, nơi cộng đồng sắc tộc thiểu số Madhesi từ chối tham gia bầu cử cho đến khi sửa đổi hiến pháp được thông qua.

Bốn tỉnh còn lại vốn được xem là điểm nóng của tình trạng bạo lực liên quan đến bầu cử này sẽ tiến hành bỏ phiếu giai đoạn 2 vào ngày 14-6 tới.

Gần 1 thập kỷ sau khi xung đột kết thúc, một hiến pháp mới đã được soạn thảo vào thông qua vào tháng 9/2015 theo thỏa thuận chấm dứt nội chiến.

Hiến pháp nêu rõ các cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra trước, tiếp đó là bầu cử cấp tỉnh và tổng tuyển cử vào tháng 1-2018, bước cuối cùng trong tiến trình hòa bình.

Tuy nhiên, hiến pháp mới đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng Madhesi với lý do văn kiện này khiến họ bị tách biệt về chính trị.

Điều này đã dẫn tới việc biên giới Ấn Độ và Nepal bị phong tỏa vào năm 2015, kéo theo đó là tình trạng khan hiếm thực phẩm trên khắp đất nước.

Người Madhesi đã đe dọa tẩy chay các cuộc bầu cử địa phương nếu như hiến pháp không được viết lại.

Đây là nguyên nhân khiến Chính phủ Nepal phải chia bầu cử làm 2 giai đoạn.

Chính phủ đã cam kết tiến hành bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp sau cuộc bầu cử ngày 14-5, song liên minh cầm quyền ở Nepal đang gặp khó khăn trong việc giành được đa số ủng hộ trong quốc hội để thông qua dự thảo.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm