Tin tức

Nga, Trung Quốc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nga và Trung Quốc ngày 13-10 được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhưng sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh đã giảm 20% so với cuộc bỏ phiếu năm 2016 và Saudi Arabia thất bại trong nỗ lực giành 1 ghế của hội đồng.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp mặt tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp mặt tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS


Đại hội đồng LHQ với 193 thành viên cũng đã bầu Bờ Biển Ngà, Gabon, Malawi, Cuba, Bolivia Uzbekistan, Pháp và Anh vào Hội đồng Nhân quyền bao gồm 47 thành viên này, theo Hãng tin Reuters.

Các nước Senegal, Nepal, Pakistan, Ukraine và Mexico tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 kéo dài 3 năm. Các thành viên trong Hội đồng Nhân quyền không được phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Các ứng cử viên được bầu chọn thông qua cuộc bỏ phiếu kín dựa vào các nhóm địa lý để đảm bảo tính đồng đều của các khu vực. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Saudi Arabia, là nhóm cạnh tranh duy nhất trong ngày 13-10 với 5 ứng cử viên và chỉ được chọn 4.

Các thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 1-1-2021.

"Việc Saudi Arabia thất bại trong việc giành một ghế tại Hội đồng Nhân quyền là một lời nhắc nhở đáng hoan nghênh về sự cần thiết có thêm nhiều sự cạnh tranh trong các cuộc bầu chọn của LHQ. Nếu có thêm các ứng cử viên khác thì Trung Quốc, và Nga cũng có thể bị loại" - giám đốc tổ chức Giám sát Nhân quyền LHQ Louis Charbonneau nhận định.

Saudi Arabia đã nhận 152 phiếu bầu trong năm 2016 để phục vụ như một thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2017-2019. Tuy nhiên, Saudi chỉ nhận được 90 phiếu trong cuộc bầu chọn ngày 13-10. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ nhận được 139 phiếu trong cuộc bầu chọn này, giảm 20% so với lần bầu chọn trước vào năm 2016.

Cả hai quốc gia trên đều bị cộng đồng quốc tế lên án về các vấn đề nhân quyền. Gần đây, các nước phương Tây đã chỉ trích chính phủ Bắc Kinh vì cách đối xử với người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương, cũng như trong cách xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vào năm 2018 khi đang là thành viên trong nhiệm kỳ sắp hết này.

"Đại hội đồng LHQ lần nữa lại bầu các quốc gia có hồ sơ vi phạm nhân quyền" - Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ngày 13-10.

Theo ANH THƯ (TTO)

Có thể bạn quan tâm