Tin tức

Ngày này năm xưa: Sự thật tàn khốc về các 'phi công liều chết'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 5/1/1945, các phi công Nhật nhận được mệnh lệnh đầu tiên để trở thành Kamikaze - phi công liều chết lái máy bay đâm thẳng vào các mục tiêu của đối phương.
Kamikaze trong tiếng Nhật là Thần phong. Dù cụm từ này chủ yếu gắn kèm với các phi công Nhật liều chết trong Thế chiến II, nhưng nguồn gốc thực sự của nó thì có từ rất xưa. Từ Thần phong xuất phát từ một cơn bão hồi thế kỷ 13 từng làm tan tác đội tàu của Mông Cổ, giúp Nhật thoát khỏi một cuộc xâm lăng sắp diễn ra. Vào thời đó, trận bão này được coi là có bàn tay của chúa trời, người đã lắng nghe và hồi đáp lời cầu khẩn của Nhật hoàng.
Trong Thế chiến II, xung đột dai dẳng giữa Mỹ và Nhật dẫn tới hàng loạt đổi mới về chiến thuật và công nghệ. Một trong những chiến thuật quân sự chết chóc nhất, khét tiếng nhất chính là các cuộc tấn công Kamikaze. Đó là sứ mệnh liều chết do những phi công Nhật thực hiện.
Vào mùa thu năm 1944, tình thế cho thấy Nhật đang yếu thế nhưng lần này đối thủ của họ lại là Mỹ và quân đồng minh ở Thái Bình Dương. Thiếu nguồn lực và gặp nhiều thất bại, quân Nhật lại một lần nữa đặt niềm tin vào "Thần phong", song "Thần phong" lại xuất hiện dưới dạng những binh sĩ sẵn sàng hy sinh thân mình để giúp đất nước. Từ đó, các phi công liều chết nhận cái tên "Kamikaze" và áp dụng nó cho các sứ mệnh của mình.
 
Kamikaze nổi tiếng toàn cầu với các phi công lái những máy bay chất đầy thuốc nổ, bom, thủy lôi và bình đựng xăng đâm vào tàu đối phương. Chúng giống như tên lửa nhưng có độ chính xác cao, gây tổn thất cho quân địch lớn hơn nhiều. Mục tiêu của các phi công liều chết Nhật là đánh phá càng nhiều tàu bè đồng minh càng tốt.
Theo War History, một vụ tấn công tự sát kinh hoàng đã diễn ra vào ngày 21/10/1944 trong trận chiến vịnh Leyte. Khi đó, một máy bay Nhật đã lao thẳng vào tàu HMAS của Australia. Đây được coi là mở màn cho làn sóng tấn công liều chết mang tên Thần phong nổi tiếng của Nhật giai đoạn cuối Thế chiến 2.
 
Các tài liệu lưu trữ của không quân Nhật và không quân Mỹ cho thấy, dù biết rõ sẽ không trở về khi thực hiện sứ mệnh, nhưng rất nhiều thanh niên trẻ tự nguyện biến mình thành những quả bom sống, lái máy bay lao thẳng vào tàu chiến Mỹ và đồng minh.
Việc tuyển chọn phi công Kamikaze và đào tạo họ khá đơn giản. Trong cuộc tuyển chọn, đa phần các phi công nhiều kinh nghiệm đều không được chấp nhận, vì kỹ năng và kiến thức của họ rất cần thiết cho chiến đấu trên không lẫn huấn luyện người mới. Phi công Kamikaze trẻ nhất mới 17 tuổi, còn hầu hết trong độ tuổi đầu 20.
Những người tình nguyện hy sinh, bao gồm nhiều thành phần từ phi công chính quy, binh lính cho đến cả sinh viên được huấn luyện theo một chế độ đặc biệt trong vòng 7 ngày, gồm hai ngày cho việc cất cánh với một quả bom 250kg, hai ngày cho việc bay theo đội hình và ba ngày tập cách tiếp cận mục tiêu và tấn công.
 
Chỉ tính riêng trong tháng 4/1945, theo ước tính, các phi công Kamikaze dưới sự chỉ huy của Đô đốc Soema Toyoda, đã thực hiện hơn 1.400 sứ mệnh và đánh chìm 26 tàu chiến của kẻ thù trong chiến dịch Ten-Go.
Khoảng 2.000 sứ mệnh khác cũng được triển khai chống các đội tàu của Mỹ ở Okinawa trong thời gian từ tháng 4 tới tháng 7/1945. Tuy nhiên, thiệt hại mà lực lượng này gây ra cho Mỹ và quân đồng minh ngày càng nhỏ do hải quân Mỹ đã học được cách đối phó và ngăn chặn các cuộc tấn công này.
Lê Nguyễn (VIE)

Có thể bạn quan tâm