Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 là dịp để tôn vinh, chúc mừng và biết ơn những người phụ nữ. Đặc biệt năm nay, khó có thể nói hết cảm xúc gửi đến những người phụ nữ can trường nơi tuyến đầu chống dịch.
Từng tham gia làm tình nguyện viên một tháng trong Bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 tại TP.Thủ Đức, TP.HCM và cũng có con nhỏ, tôi chứng kiến và đồng cảm với các chị em phải vượt qua những mối ràng buộc, lo âu đời thường để toàn tâm toàn ý chăm sóc người bệnh.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tính (30 tuổi, đến từ Khoa Nhi BV tỉnh Quảng Ninh) có 2 con sinh đôi mới 2 tuổi rưỡi, vẫn tham gia đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh vào hỗ trợ BV dã chiến số 12. Chị Tính cho hay 2 con của chị sinh non, hay ốm. Vốn làm ở khoa nhi, chị chăm sóc con tốt hơn và cả nhà yên tâm khi có chị ở nhà. Khi vào TP.HCM tham gia chống dịch được khoảng 3 hôm, chị lo lắng bởi con ở nhà bị viêm phế quản, trong khi chồng cũng bị sốt. May thay, nhờ sự chăm sóc của bố mẹ, chồng con chị sớm được bình phục.
Hiện nay, đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh đang phục vụ tại BV dã chiến số 12. Ngày về của đoàn “để mở”, nghĩa là sẵn sàng ở lại nếu TP.HCM cần. Chị Tính ví von: Ngày xưa, các bác đi chiến đấu chuẩn bị tinh thần hy sinh; còn bây giờ, mình đi chống dịch Covid-19 cũng mang sẵn tinh thần… bị dương tính. Cứ xác định như thế (dù rất cẩn thận phòng ngừa) để nếu bị nhiễm bệnh cũng không hoang mang.
Đón 20.10 năm nay tại BV dã chiến ở TP.HCM, chị Tính khoe vừa được chồng gửi ảnh các con và động viên yên tâm công tác. Chị chia sẻ: “Mọi năm vào ngày này, mình thường được liên hoan, nhận hoa và quà. Còn năm nay, dù không tổ chức gì cả nhưng chúng mình thấy rất có ý nghĩa vì được đóng góp và giúp đỡ cho nhiều người hơn. Ở trong này, còn có những bạn chưa lập gia đình, xa người yêu nhưng tâm lý tất cả đều vững vàng”.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Ngọc Hoàng Dung (BV Da liễu TP.HCM) nhìn nhận ban đầu chị có phân vân, bởi đây là năm chuyển cấp lên lớp 6 của đứa con đầu, nhưng khi được ông xã khuyên: “Trong thời điểm bùng phát dịch, em là nhân viên y tế mà không đi thì ai đi chống dịch. Em cứ yên tâm, chuyện học của con và việc nhà để anh lo”, thì chị yên tâm “ra trận”. Thời gian đầu, 2 đứa con của chị ngày nào cũng khóc và kêu mẹ về, chị phải kiên trì giải thích, động viên các con.
Nhờ hậu phương vững chắc, 3 tháng qua, bác sĩ Dung toàn tâm toàn ý với vai trò thủ lĩnh Đội hồi sức cấp cứu tại BV dã chiến số 12. Khoảng 10 ngày nay, BV không còn bệnh nhân nặng, đội này được giải tán và bác sĩ Dung trở thành đội trưởng Đội lâm sàng.
Điều dưỡng Tính và bác sĩ Dung chỉ là 2 trong số rất nhiều nữ nhân viên y tế, tình nguyện viên, phụ nữ công an, quân đội… trên tuyến đầu chống dịch. Đâu chỉ gác lại những niềm riêng, gia đình, con cái… mà còn là sức khỏe, tính mạng để chung sức vì cộng đồng. Họ luôn là những bông hoa rực rỡ trên tuyến đầu, dù ẩn sau màu áo bảo hộ hay khẩu trang che kín...
Theo NHƯ LỊCH (TNO)