Một nghị sĩ Nhật Bản nói việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo là mối đe dọa đối với hòa bình.
Phái đoàn Nhật Bản bao gồm nghị sĩ Akira Sato, Akihisa Nagashima và Hirano Honda tại Diễn đàn Nghị viện châu Á Thái Bình Dương ở Canberra (trái qua phải) - Ảnh: Quốc hội Úc |
"Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và chuyển đổi các thực thể ở Biển Đông thành tiền đồn quân sự", nghị sĩ Nhật Bản Akihisa Nagashima thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, thành viên của ủy ban An ninh Quốc gia, phát biểu tại Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương ở thủ đô Canberra (Úc) ngày 14.1, theo tờ The Canberra Times.
Các hành động của Trung Quốc gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực, ông Nagashima nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ lời kêu gọi từ phía Nhật Bản.
"Chúng ta không nên ngồi ngoài lề trước những diễn biến ở Biển Đông. Nếu những hành động như thế này lặp đi lặp lại và không có biện pháp giải quyết thì điều này sẽ phá vỡ trật tự hiện hữu ở khu vực. Chúng ta nên duy trì nguyên tắc rằng bất kỳ hành động đơn phương nào sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được”, ông Nagashima cho biết.
Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật hàng hải quốc tế vốn không cho phép sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ep, nghị sĩ Nagashima nhấn mạnh.
Ông Nagashima nhấn mạnh tầm quan trọng của “những bộ quy tắc và nguyên tắc vốn khó đạt được nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Một nghị sĩ đảng đối lập Nhật Bản, Hirano Honda, đồng thời lên án những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phía Nhật Bản đưa ra tuyên bố mạnh mẽ trong diễn đàn, vốn thường chỉ thảo luận chung về vấn đề tăng cường hợp tác khu vực, theo nhận định của The Canberra Times. Chẳng hạn, các nghị sĩ Nga dành nhiều thời gian tập trung vào vấn đề an ninh mạng và tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn những vụ tấn công mạng.
Về phần mình, phái đoàn Trung Quốc cho biết trật tự thế giới đối mặt trước những thách thức nghiêm trọng vào năm 2019, với bất ổn và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, kêu gọi các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tăng cường hợp hợp tác và "kiên quyết phản đối các hành động bắt nạt".
Trong những năm gần đây, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa, xây đảo trái phép trên các đảo đá và bãi cạn mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào tháng 12.2019 một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định "chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Phúc Duy (thanhnien)