Tin tức

Ngoại trưởng Ấn nói thẳng với Vương Nghị: Các ông đã ủ mưu tấn công từ trước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar không ngần ngại tố cáo Bắc Kinh trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Vương Nghị tối 17-6. Cuộc gọi kết thúc khi hai bên đều đồng ý giảm căng thẳng ở biên giới.
 
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã yêu cầu Bắc Kinh "tự đánh giá và thực hiện các bước khắc phục" sau cuộc đụng độ chết người ở biên giới - Ảnh chụp màn hình
Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa Bắc Kinh và New Delhi sau vụ đụng độ ở khu vực Ladakh khiến hàng chục binh sĩ mỗi bên thương vong ngày 15-6.
Phát biểu trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng hồi đầu tháng 6 giữa hai nước. Ông Jaishankar nhấn mạnh xô xát chết người xảy ra là do binh sĩ Trung Quốc đã tràn sang Đường kiểm soát thực tế (LAC) phía Ấn Độ và tìm cách xây dựng một công trình tại thung lũng Galwan.
"Trung Quốc đã tính toán và ủ mưu từ trước nên sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho tình trạng bạo lực và thương vong. Những hành động của các ông cũng cho thấy ý định thay đổi hiện trạng bất chấp những gì mà chúng ta đã thỏa thuận", tờ India Today dẫn lại lời ông Jaishankar chỉ trích.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc xác nhận cuộc điện đàm. Theo giới quan sát, không ngạc nhiên khi phía Trung Quốc phát thông cáo theo hướng có lợi cho mình.
Trong tuyên bố được phát đi tối 17-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ông Vương Nghị đã mạnh mẽ yêu cầu Ấn Độ "điều tra kỹ lưỡng" và trừng phạt những người chịu trách nhiệm.
"Ấn Độ không nên đánh giá sai tình hình hiện tại hay đánh giá thấp ý chí mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình", tuyên bố có đoạn nhấn mạnh.
Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ lỗi cho nhau trong sự cố ngày 15-6, vụ đụng độ mới nhất trên tuyến biên giới hàng ngàn kilomet vẫn chưa phân định xong giữa hai nước.
Mặc dù đưa ra các thông tin trái ngược nhau sau cuộc điện đàm tối 17-6, điểm chung tích cực là cả hai ngoại trưởng đều cam kết sẽ giảm căng thẳng tại biên giới, theo Hãng thông tấn AFP.
Quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh chứng kiến một loạt cuộc xung đột, đối đầu quân sự tại biên giới trong các năm 1962, 1967 và 1987. Năm 2017, hai nước còn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu kéo dài hơn 2 tháng tại cao nguyên Doklam của Bhutan.
BẢO DUY (TTO)

Có thể bạn quan tâm