Và rồi, biển cũng mênh mang chào đón. Gió mơn man làn tóc, nước nhiệt tình chảy từng luồng mát lạnh vào chân. Mặc nắng, mặc nóng, biển như món quà quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho người xứ nẫu. Mà xứ nẫu đâu chỉ có biển!
Bằng cách nào đó trong khả năng sinh tồn, chống chọi, những hàng cây ven đường của xứ nóng vẫn xanh mát dưới cái nắng như rang, như hun. Những ngọn xoài đã ngả sang màu lam già phủ phấn, thành cái nền xanh mạnh mẽ cứng cáp trên cơ man quả lúc lỉu chớm vàng. Những hàng sứ bung xòe chùm bông trắng muốt điểm nhụy vàng giữa tán lá u thẫm tưởng chừng như chưa hề có cái nắng nóng nào vừa tràn qua đây. Và dừa, mướt xanh dịu dàng tóc xõa hứng trọn cái nắng chang chang chuyển hòa vào ngọt lành của trái. Đặc biệt là những hàng hoa giấy ven đường. Lạ lùng thay, sắc hoa tươi thắm ngả vào lòng người một nỗi dịu dàng xao động. Tưởng đâu bao nhiêu đận mặt trời chói gắt, hun bức là bấy nhiêu lần hoa giấy gom vào mình cái nắng để thổi bùng lên những đốm sáng đỏ rực, hồng cam, tím trắng dịu xoa.
Minh họa: Huyền Trang |
Người xứ nẫu cần kiệm, chắc chắn. Gian khó nên nâng niu trân xót từng giọt mồ hôi công sức mình bỏ ra, hay đó cũng là cái lo xa của những cuộc đời dằng dặc trong mưa nắng? Mộc mạc mà hồn hậu, kiểu chân tình không hoa hòe khách sáo trong câu ca: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Hồn hậu trong những món ăn, từ đậm đà tươi rói của tôm, cua, cá, ghẹ vừa mang lên bờ; của gà, vịt thả đồng no nê thóc lúa; của mắm, muối tự tay cho vào khạp, đủ nắng, đủ ngày để ủ thành giọt ngọt ngon, mặn mà. Hồn hậu, rộng rãi trong những thức quà quê mà người xứ nẫu gửi ngược lên miền núi, đậm đà bánh tráng dừa béo ngậy, giòn tan bánh gạo, bánh mì chà còn nguyên mùa bột mới, đượm mùi nắng thơm, trong óng con tôm đất còn búng rảy trên bàn tay… Hồn hậu trong nụ cười hiền khô và giọng miền đặc sệt chất quê của người lao động cần mẫn, nông thuần mà khẳng khái. Quê mùa mà sao nghe rưng rức nhớ thương. Chưa xa đã nhớ, chưa về đã thương. Xứ nẫu tháo vát chịu thương chịu khó, nghề nào cũng có, việc gì cũng hay. Ở biển có nậu nải (làm muối), nậu rổi (bán cá), nậu vựa (làm mắm), ra đồng có nậu cấy (cấy mướn), nậu nguồn (làm rừng) lên non. Cứ thế mà sống, mà đối đãi thung dung, hào sảng, chí tình. Người xứ nẫu có chút ngang tàng trọng nghĩa của đất võ, có chút thâm trầm của người sống trải trong linh thiêng hào khí đất trời, trọng tập tục và tín ngưỡng để làm nên chiều sâu văn hóa vùng miền. Bao nhiêu đó khiến đất và người xứ nẫu dẫu thô mộc vẫn “qua lại” nhiều tâm giao.
Dẫu đời khó khăn vẫn không khiến người khắc nghiệt. Tâm hồn vẫn lộng khoáng vẻ dồi dào của bàn tay làm ra thóc, của chân trần đạp trên cát, sớm sương chiều muộn lên bưng xuống đìa, ra biển vào sông. Đời cứ thế cho đi, chỉ giữ lại cho mình những giọt mồ hôi mặn mòi trên làn da rám nắng. Vậy nên thương xiết bao người xứ nẫu.
Tôi tìm về xứ nẫu trong một ngày oi gắt, thấy thật gần, núi giăng trời “in như một miếng bìa” (Xuân Diệu), biển ngọc ngà xõa mình trong cát trắng, nắng chan hòa trên mỗi hàng dương. Xa xa, trong vòng tay ấp ôm của núi, lúa ruộm vàng khấp khởi những đường quê. Chợt ngẫm ra, bao cốt cách mến thương của người xứ nẫu, chẳng phải do trời chịu người hiền lành mà ưu ái ban trao: non xanh nước biếc hữu tình, sông đìa, đồng ruộng bạt ngàn thênh thang.
Rời xa xứ nẫu, màu đất cát trắng mênh mông nhường dần cho sắc đỏ bazan. Những hàng xanh vẫn vươn mình trong nắng đổ, như người xứ nẫu vẫn hàng ngày đằm mình trong cái nóng bỏng nóng rang. Vậy mà họ vẫn thấy thân thuộc, vẫn điềm nhiên và nhẫn nại, đinh