Thời sự - Bình luận

Người dân không nên truy bắt cướp vì rủi ro đến tính mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bị giật điện thoại, nam thanh niên chạy xe máy đuổi theo để truy bắt cướp trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP.HCM, không may bị tai nạn tử vong.

 

Hiện trường vụ tai nạn do truy bắt cướp trên đường Nguyễn Văn Quá Ảnh: LĐO



Thêm một nạn nhân bị tử vong do đuổi theo cướp, cho thấy cần tuyên truyền để người dân hiểu rằng, không nên đuổi theo bắt cướp.

Truy đuổi, bắt cướp phải có chuyên môn, nghiệp vụ, được trang bị công cụ, vũ khí, được quyền khống chế, thậm chí nổ súng. Có nhiều trường hợp công an được quyền nổ súng, trong đó có trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Ngay cả công an vẫn gặp rủi ro khi truy bắt tội phạm. Đơn cử như thượng úy Phan Tấn Tài - đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6 TPHCM - đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, phòng chống dịch COVID-19. Vụ việc xảy ra tối 2.8.2021, trong khi truy đuổi một thanh niên đi xe máy không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của tổ công tác và quay đầu xe bỏ chạy với nhiều nghi vấn, thượng úy Tài bị ngã xuống đường bị thương nặng, không qua khỏi.

Hay như vụ gây chấn động xảy ra ngày 13.5.2018 tại TPHCM, một nhóm hiệp sĩ đường phố theo dõi, phát hiện băng trộm xe máy tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8, nên đã xông vào bắt. Nhưng không may, bọn trộm đã chống lại, dùng dao đâm hai hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi tử vong.

Sau đó hung thủ bị bắt, chịu mức án tử hình, nhưng hai hiệp sĩ cũng đã ra đi không trở về. Liệu có đáng để đổi hai mạng người với chiếc xe máy không.

Với vụ thanh niên truy bắt cướp trên đường Nguyễn Văn Quá, công an đã bắt được hai nghi phạm. Những kẻ cướp giật sẽ bị xử lý theo pháp luật, nhưng pháp luật không thể cứu được mạng người đã mất. Chiếc điện thoại có đáng để đánh đổi mạng người hay không.

Nói như vậy không có nghĩa là người dân bó tay, thờ ơ, né tránh bọn trộm cắp, tội phạm. Người dân vẫn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự an toàn cho cộng đồng, nhưng bằng cách khác, trước hết là an toàn cho bản thân.

Liên quan đến những vụ truy bắt cướp, tại buổi họp báo chiều 5.5, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM đề nghị người dân bình tĩnh, đặt yếu tố an toàn cho bản thân lên hàng đầu. Người dân có thể truy đuổi nhưng chỉ tri hô, ghi nhận đặc điểm nhận dạng của đối tượng, tránh đối mặt trực diện để không gặp tình huống nguy hiểm.

Khi bị cướp giật hay phát hiện người khác bị cướp giật, chỉ tri hô, và quan trọng nhất là ghi nhớ các thông tin liên quan đến nghi phạm như số xe, loại xe, màu xe, hình dạng, nhân dạng, gương mặt. Những thông tin đó sẽ hỗ trợ cho công an điều tra, truy bắt tội phạm.

Tài sản mất có thể tìm lại được hoặc làm ra cái khác, nhưng mạng thì chỉ có một.


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nguoi-dan-khong-nen-truy-bat-cuop-vi-rui-ro-den-tinh-mang-1041732.ldo

Theo Lê Thanh Phong  (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm