Người đàn ông tưởng rằng vật lạ mà mình tìm thấy là vàng, tuy nhiên trên thực tế, nó còn có giá trị cao hơn nhiều.
David Hole tình cờ phát hiện một tảng đá lấp lánh ánh vàng (Ảnh: Bảo tàng Melbourne) |
David Hole tình cờ tìm thấy một tảng đá màu nâu đỏ, lấp lánh ánh vàng khi đang đi dạo quanh Công viên vùng Maryborough, gần Melbourne, Úc, vào năm 2015.
Được biết, cơn sốt vàng nổi tiếng đã xuất hiện tại Úc từ thế kỷ 19. Cũng với suy nghĩ này, Hole mang hòn đá về nhà và tin rằng nó chính là vàng.
Dù đã cố gắng hết sức nhưng trong suốt nhiều năm, ông không thể làm cách nào để tách tảng đá ra. Sau đó, Hole quyết định đưa nó đến bảo tàng Melbourne và tại đây, ông đã phát hiện ra nó là một loại thiên thạch quý hiếm.
Dermot Henry, nhà địa chất học của bảo tàng, khẳng định rằng trong 37 năm làm việc tại đây, ông mới chỉ bắt gặp hai meteorite (mảnh thiên thạch) nguyên chất. Nói với Channel 10 News, ông Henry nhận xét: "Tôi đã nhìn rất nhiều tảng đá mà mọi người nghĩ là thiên thạch. Nhưng đây là một thứ hoàn toàn khác".
Ông Henry nói thêm với The Sydney Morning Herald: "Vẻ ngoài xù xì là do chúng đi qua bầu khí quyển. Có thể nói, chính bầu khí quyển của hành tinh chúng ta đã điêu khắc cho những thiên thạch này"
Tiến sĩ địa chất Bill Birch bổ sung: "Nó nặng hơn hẳn những hòn đá trên Trái đất".
Mảnh thiên thạch nặng 17kg. Ảnh: Birch et al / PRSV 2019 |
Nói về giá trị khoa học của hòn đá, ông Henry nói: "Nghiên cứu thiên thạch chính là cách thức thám hiểm không gian rẻ nhất. Chúng đưa chúng ta quay ngược thời gian, cung cấp manh mối về tuổi cũng như sự hình thành của Hệ Mặt trời".
Ông tiếp tục: "Trong một số thiên thạch, có những 'bụi sao' thậm chí còn lâu đời hơn cả Hệ Mặt trời của chúng ta, điều này giúp chúng ta thấy cách các ngôi sao hình thành và tiến hóa để tạo ra các nguyên tố của bảng tuần hoàn. Ngoài ra, những thiên thạch quý hiếm cũng chứa các phân tử hữu cơ như axit amin, đây là các khối xây dựng của sự sống".
Ông dự đoán: "Thiên thạch đặc biệt này có lẽ xuất phát từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, nó bị đẩy ra khỏi đó do một số tiểu hành tinh đập vào nhau, sau đó rơi xuống Trái đất".
Các nhà nghiên cứu ước tính thiên thạch có niên đại khoảng 4,6 tỷ năm tuổi. Phân tích xác định niên đại bằng carbon cho biết thời gian nó xuất hiện trên Trái đất nằm trong khoảng từ 100 đến 1.000 năm.
Họ đặt tên cho mảnh thiên thạch theo nơi mà ông Hole tình cờ phát hiện ra nó - Maryborough.
Mảnh thiên thạch nặng 17 kg. Ông Henry nói với Channel 10 News: "Đây mới là mảnh thiên thạch thứ 17 được tìm thấy ở Victoria, trong khi đã có hàng nghìn mảnh vàng được tìm thấy. Có thể nói, đây là một đột phá về mặt thiên văn học".
Theo Lê Phương (express.co.uk/Dân Việt)