"Đây là tín hiệu cho những ai muốn xóa bỏ ngôi quân chủ. Nếu muốn làm điều đó, họ phải nhìn vào đây, phải chúng ta đây" - Suwit Thongprasert, nhà sư đã hoàn tục và lãnh đạo phe bảo hoàng, tuyên bố ngày 1-11.
|
Quốc vương Rama X xuất hiện bên ngoài hoàng cung tối 1-11 và nói chuyện với những người ủng hộ hoàng gia. Tất cả những người ở hàng đầu đều quỳ gối, người ở hàng sau thì khom lưng để không ai cao hơn đức vua và hoàng hậu - Ảnh: REUTERS |
Theo báo Bangkok Post của Thái Lan, khoảng vài ngàn người ủng hộ hoàng gia đã tập trung về Sanam Luang, hay còn được gọi là "Cánh đồng Hoàng gia" và chùa Phật Ngọc ở Bangkok ngày 1-11. Họ muốn tranh thủ bày tỏ sự trung thành với nhà vua Rama X khi ông đến chùa làm lễ.
Bin Bunleurit, cựu ngôi sao điện ảnh Thái Lan, kế đó kêu gọi những người ủng hộ đức vua hãy tới bên ngoài hoàng cung thể hiện sự trung thành của mình. "Đã tới lúc chúng ta nên ra tay bảo vệ hoàng gia thân yêu".
Đám đông vẫy cờ, reo hò và giơ cao ảnh của quốc vương cùng hoàng hậu Thái Lan khi đoàn xe của họ di chuyển bên ngoài hoàng cung.
Một nhà báo Thái Lan nhận xét đây là hình ảnh hoàn toàn trái ngược với hình ảnh đoàn xe chở hoàng hậu bị người biểu tình chống chính phủ "bao vây" cách đây không lâu.
|
Nhà vua Rama X cùng hoàng hậu Suthida và công chúa Bajrakitiyabha (trái) vẫy tay chào những người thuộc phe bảo hoàng - Ảnh: REUTERS |
Nhiều tiếng nói kêu gọi hạn chế quyền lực hoàng gia đã xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Không chỉ yêu cầu ông Prayuth từ chức, người biểu tình còn phê phán hoàng gia công khai, vốn là điều cấm tại Thái Lan.
Theo Hãng tin Reuters, trong số những người kêu gọi hạn chế quyền lực của quốc vương có những người đã chỉ trích vua Rama X tiêu xài hoang phí và thông đồng với quân đội, làm ngơ trước các cuộc đảo chính để duy trì quyền lực hoàng gia.
Kể từ năm 1932, sau cuộc cách mạng dẫn tới sự ra đời của chế độ quân chủ lập hiến, nhà vua Thái Lan chỉ giữ vai trò biểu tượng với quyền lực hạn chế so với trước cách mạng. Họ cũng hiếm khi can thiệp các vấn đề chính trị.
"Đây là tín hiệu cho những ai muốn xóa bỏ ngôi quân chủ. Nếu muốn làm điều đó, họ phải nhìn vào đây, phải chúng ta đây" - Suwit Thongprasert, nhà sư đã hoàn tục và lãnh đạo phe bảo hoàng, khẳng định khi được hỏi về cuộc tuần hành ngày 1-11 của phe bảo hoàng.
Một số chuyên gia đã bày tỏ lo lắng nguy cơ sẽ có các cuộc đụng độ giữa phe biểu tình và phe bảo hoàng. "Chúng tôi không có mục đích chính trị hay muốn bày tỏ thái độ gì với nhóm chính trị nào cả. Chúng tôi yêu hoàng gia và chỉ muốn bày tỏ tình yêu ấy", một người thuộc phe bảo hoàng giãi bày.
|
Bất chấp nắng mưa và COVID-19, đám đông tập trung bên ngoài hoàng cung chờ được thấy đức vua và hoàng hậu ngày 1-11 - Ảnh: REUTERS |
|
Theo Bangkok Post, trong cùng ngày 1-11, phe biểu tình chống chính phủ đã tiếp tục xuống đường, kêu gọi Thủ tướng Prayuth từ chức và cải tổ quyền lực hoàng gia - Ảnh: REUTERS |
|
Hoàng gia có vai trò lớn trong đời sống tinh thần của nhiều người Thái. Khi cha của vua Rama X - tức Quốc vương Bhumibol Adulyadej - còn sống, rất nhiều người Thái đã thể hiện sự tôn kính với ông bằng việc lập bàn thờ sống - Ảnh: REUTERS |
|
Trong bức ảnh được chụp tối 1-11, những người thuộc phe bảo hoàng và các quan chức Thái Lan đã làm mọi cách để không được đứng cao hơn quốc vương. Hồi tuần trước, lời ngợi khen của ông dành cho một người ủng hộ hoàng gia đã gây tranh cãi với nhiều người khi cho rằng đức vua đang can dự vào chính trị - Ảnh: REUTERS |
|
Thái tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi năm 2016 sau khi vua cha qua đời. Ông dành nhiều thời gian ở nước ngoài và vừa trở về Thái Lan hôm 15-10 sau nhiều tháng sống tại Đức - Ảnh: REUTERS |
Theo BẢO DUY (TTO)