Nhìn lại hơn 64 năm, tính từ ngày 10.1.1960, khi chuyến tàu đầu tiên chở theo hơn 900 kiều bào Thái Lan cập cảng Hải Phòng đến nay, mỗi năm có hàng vạn Việt kiều về thăm quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong gần 6 triệu Việt kiều hiện nay, có rất nhiều trí thức, nhà khoa học, doanh nhân đã chọn về nước sinh sống, làm ăn, trở thành những doanh nghiệp hàng đầu VN hiện nay như Vingroup, Sungroup, Masan... Những người chưa hay không về, thì gia đình, Tổ quốc vẫn ở trong trái tim họ. Minh chứng rõ nhất là kiều hối chuyển về VN suốt nhiều năm qua vẫn gia tăng theo thời gian. Thậm chí cả những năm đại dịch hoành hành thì nguồn lực từ kiều bào ở khắp nơi vẫn đều đặn đổ về nước. Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) cho biết năm 2022, tổng lượng kiều hối về VN đạt gần 19 tỉ USD, cao hơn khoảng 1 tỉ USD so năm 2021. VN nằm trong top ba quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Năm 2023, kiều hối về VN ước đạt khoảng 16 tỉ USD, trong đó riêng TP.HCM đạt hơn 9 tỉ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Còn so với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM năm 2023 thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần, bằng khoảng 14% GRDP của đầu tàu kinh tế đất nước. Nếu tính cả giai đoạn 1993 - 2022, lượng kiều hối gửi về nước đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Nhưng nguồn lực kiều hối không chỉ ở những con số, mà còn ở tính ưu việt của dòng vốn này. Kiều hối được mệnh danh là nguồn lực vàng ở cả góc độ xã hội và kinh tế. Về xã hội, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ từ kiều bào, người lao động gửi về nước hỗ trợ người thân, gia đình chi dùng cá nhân, xây dựng, sửa sang nhà cửa, gửi tiết kiệm hay mở rộng kinh doanh... Cũng vì "chảy" thẳng vào khu vực dân cư nên dòng vốn này có tính kích thích đầu tư tư nhân rất cao, từ đó góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động, nâng cao đời sống không chỉ người trực tiếp nhận mà cả gián tiếp. Càng những năm sau này, nguồn kiều hối đổ về nước đầu tư sản xuất kinh doanh càng nhiều và được coi là một trong những nguồn vốn cho phát triển kinh tế. Quan trọng hơn, kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác là không phải hoàn trả; không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Chưa kể kiều hối góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá; tăng lãi suất, nhất là trong mấy năm sau đại dịch cũng như hiện tại, khi nguy cơ lạm phát gia tăng và các đồng tiền tại một số quốc gia có xu hướng mất giá mạnh.
Theo số liệu từ Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, VN hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên. Thế nên không chỉ kiều hối, kiều bào VN ở nước ngoài còn là nguồn lực tri thức, chất xám đóng góp vào xây dựng, phát triển đất nước dù ở bất cứ nơi nào. Đó chính là "tính vàng" của nguồn lực này mà Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút, sử dụng hiệu quả nhất.