Tin tức

Nguy cơ Trung Quốc siết nợ nhiều nước gặp khủng hoảng vì Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoản vay lãi suất cao từ Trung Quốc đang đe dọa các quốc gia vốn có nguy cơ vỡ nợ nay lại gánh thêm khủng hoảng vì đại dịch Covid-19.
 
Dự án tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào bị đình trệ vốn là một phần trong khuôn khổ BRI. ẢNH: AFP
Các doanh nghiệp, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và cho vay lớn trên thế giới, bao gồm những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), theo tờ The Guardian.
Chuyên gia Steil và Rocca phân tích các thỏa thuận cho vay của Trung Quốc và đưa ra con số đáng kinh ngạc: Lãi suất vay dao động từ 4 - 6%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) áp dụng lãi suất chỉ trên 1% đối với quốc gia có thu nhập thấp.
“Chính Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia vay nhiều tiền nhất của WB, tổng cộng khoảng 16 tỉ USD. Nước này hưởng lợi khi vay lãi suất thấp từ WB rồi dựa vào BRI để cho vay lấy lãi suất cao hơn. Chưa kể Trung Quốc vừa cho vay, vừa để công ty nhà nước thực hiện các dự án phát triển hạ tầng”, theo báo cáo của Hội đồng quan hệ đối ngoại. Nhiều nước chấp nhận khoản vay từ Trung Quốc theo điều khoản thương mại vì Bắc Kinh không can thiệp vào vấn đề nội bộ. Còn khoản vay từ các nước phương Tây hoặc tổ chức đa phương thường đi kèm với yêu cầu khắt khe như đảm bảo minh bạch.
Giới chuyên gia cùng quan chức cấp cao của một số nước như Mỹ và Úc nhiều lần cảnh báo mối rủi ro từ “chính sách ngoại giao sổ nợ” của Trung Quốc. Cụ thể là những quốc gia đang phát triển không thể trả nổi khoản vay với lãi suất cao để thực hiện dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI, buộc phải trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát tài sản của nước mình. Chẳng hạn, hồi năm 2017, Sri Lanka không thể thanh toán các khoản vay nên đã để cho Trung Quốc vận hành, thuê với giá ưu đãi một cảng biển chiến lược trong 99 năm.
Tổ chức Trung tâm vì phát triển toàn cầu (Mỹ) hồi năm 2018 công bố nghiên cứu đánh giá về BRI, xác định 23 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ. Trong nhóm này, Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan được xếp hạng “rủi ro cao”.
Đến nay, đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu, tiếp tục gây thêm áp lực cho những nước chưa thể trả các khoản vay của Trung Quốc, theo tờ Asia Times. Trong số 138 quốc gia tham gia BRI, đại đa số là những nước đang phát triển với chỉ số xếp hạng tín dụng ngày càng giảm. Tờ Financial Times ngày 1.5 đưa tin chính quyền Trung Quốc gần đây nhận được hàng loạt đơn xin giảm nợ từ các nước đang gặp khủng hoảng vì Covid-19.
“Với đồng tiền mất giá cùng chi phí y tế chồng chất vì đại dịch, những nước nghèo tham gia BRI sẽ không thể trả nợ cho Trung Quốc”, chuyên gia Benn Steil và Benjamin Della Rocca thuộc Tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại (Mỹ) lưu ý trong báo cáo mới công bố hồi tuần rồi.
Vào tháng 4, Trung Quốc đã nhất trí với đề xuất được đưa ra trong hội nghị G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn) là cho phép những nước nghèo tạm ngưng trả nợ cho đến cuối năm nay. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không giảm hay xóa bỏ khoản vay cùng lãi suất, Đài CNBC dẫn lời các chuyên gia nhận định. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 7.4 từng nói: “Đối với các nước gặp khó khăn về khoản vay trong đại dịch, Trung Quốc không ép buộc nhưng sẽ giải quyết thông qua kênh tham vấn song phương”. Các nhà phân tích tiếp tục theo dõi động thái của Trung Quốc tại hội nghị G20 vào tháng 7 tới, vốn tập trung vào kích thích tài chính toàn cầu và giảm nợ.
“Thay vì tăng thêm áp lực, Trung Quốc nên giúp các nước tham gia BRI vượt qua cuộc khủng hoảng. Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng cách kéo dài thời gian hoãn trả nợ đến giữa năm 2021”, theo các chuyên gia Steil và Rocca.
Phúc Duy (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm