Tin tức

Nguyên thủ quốc gia và độ tuổi - bao nhiêu thì phù hợp?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nguyên thủ quốc gia bao nhiêu tuổi là già? - Cử tri Malaysia chắc hẳn sẽ có băn khoăn như vậy sau khi liên minh Đảng Đối lập chọn cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad làm ứng cử viên để tranh cử với Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak, cũng là cựu đồng minh của ông.

Ở tuổi 92, ông Mahathir già hơn ông Najib gần 30 tuổi. Ông là Thủ tướng cầm quyền lâu nhất Malaysia, từ năm 1981 đến 2003. Nếu ông Mahathir giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, dự kiến tổ chức trước tháng 8-2018, ông sẽ trở thành nguyên thủ tại vị lâu nhất thế giới, vượt trên cả Nữ hoàng Anh Elizabeth II năm nay 91 tuổi. Phải nói rằng, Nữ hoàng Anh chỉ mới giành ngôi vị nhà lãnh đạo lâu nhất thế giới sau khi Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe bị lật đổ năm ngoái ở tuổi 93 tuổi.

 

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (giữa) trong một cuộc họp hôm 7-1-2018.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (giữa) trong một cuộc họp hôm 7-1-2018.

Một chi tiết thú vị về nhà lãnh đạo cao tuổi này: Năm ngoái, ông Mahathir được tờ Strait Times phỏng vấn. Khi được hỏi rằng vẻ bề ngoài của ông chỉ thay đổi rất ít trong 12 năm gần đây, ông tiết lộ về bí quyết giữ gìn sự trẻ trung của mình là: “Đừng ăn quá no”.

Động thái mới trên chính trường Malaysia diễn ra đúng lúc thế giới cũng đang tranh cãi về việc nhà lãnh đạo cao nhất bao nhiêu tuổi thì phù hợp. Cuộc tranh luận đó có lẽ khởi phát từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khi ứng viên Donald Trump, 70 tuổi tranh cử cùng ứng viên Hillary Clinton, 69 tuổi. Đó là hai ứng cử viên nhiều tuổi nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ngoại trừ trường hợp ông Ronald Reagan năm 1985.

Một số đối thủ của ông Trump cho rằng tuổi của Tổng thống đương nhiệm, cùng chế độ ăn uống ít được chú tâm và hạn chế tập thể dục có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nhận thức của ông. Vì thế mới có chuyện Tổng thống Trump vài ngày trước tự nhận mình là “thiên tài ổn định” và chỉ trích về sự “lố bịch” của những người đặt dấu hỏi về việc Tổng thống bị nói nhịu trong một bài phát biểu hồi tháng trước.

Chắc chắn, tuổi tác đem lại lợi thế cho người lãnh đạo là sự hiểu biết và kinh nghiệm về đưa ra những quyết định quan trọng cùng với uy tín và sự ủng hộ. Nhưng cũng không nghi ngờ rằng vị thế một nhà lãnh đạo thế giới đòi hỏi khối lượng công việc đồ sộ cùng việc di chuyển liên tục, điều đó có thể gây khó khăn với người cao tuổi.

Trên toàn cầu, đã có một số nguyên thủ dường như tuổi tác ảnh hưởng đến công việc của họ. Đơn cử, trước khi bị lật đổ, ông Mugabe, 93 tuổi, nhiều lần bị bắt gặp ngủ gật trong các cuộc họp cấp cao. Bởi thế, một trong những lý do khiến ông bị buộc phải rời khỏi văn phòng vào năm ngoái là do tuổi cao, ông không còn đủ sức khỏe điều hành Chính phủ được nữa. Hay như cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, gần cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông thường hay quên, dẫn đến suy đoán về việc liệu sức khỏe tâm thần của ông có xấu đi. Thực tế, sau khi rời nhiệm sở, ông Reagan được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer và con trai ông sau đó thừa nhận cha mình có những triệu chứng điển hình của bệnh lúc đương nhiệm.

Vậy các nước có giới hạn độ tuổi với người đứng đầu Nhà nước hay Chính phủ hay không? Một số quốc gia đưa ra yêu cầu về độ tuổi, thường là tuổi 18, tương đương với tuổi được quyền cầm lá phiếu bầu cử đầu tiên. Hiến pháp Mỹ quy định ứng cử viên Tổng thống ít nhất 35 tuổi. Mặc dù vậy, thế giới gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các nhà lãnh đạo trẻ, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức năm 39 tuổi hay Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng trẻ nhất thế giới khi thắng cử ở tuổi 31 vào năm ngoái. Trong khi đó, một số quốc gia lại sử dụng biện pháp pháp lý để nâng tuổi làm lãnh đạo bằng cách nới tuổi nghỉ hưu nói chung, như trường hợp Turkmenistan và Uganda gần đây.

Suy cho cùng, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng chỉ riêng yếu tố tuổi tác không quyết định đến sức khỏe hay khả năng làm việc của một ai đó, nhất là với một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và năng lực thực sự.

Yến Chi/ANTT

Có thể bạn quan tâm