Phó Chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ali Fadavi ngày 6-12 cho biết nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát bằng vũ khí ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Hãng thông tấn Mehr ngày 6-12 dẫn lời Đô đốc Fadavi tiết lộ ông Fakhrizadeh bị bắn chết bằng súng máy điều khiển trực tuyến thông qua vệ tinh cùng với máy ảnh tiên tiến và AI cách đây 2 tuần.
Theo đô đốc này, khẩu súng nã tổng cộng 13 phát đạn vào mặt ông Fakhrizadeh, chính xác tới mức vợ của ông Fakhrizadeh ngồi cách 25 cm trong xe hơi không hề bị thương. Khẩu súng này được đặt trên một chiếc xe Nissan, theo ông Fadavi.
Ông Fadavi nói thêm có 11 vệ sĩ đi trên những chiếc xe hơi khác bảo vệ ông Fakhrizadeh và vợ. Trong đó, người đứng đầu nhóm vệ sĩ "lãnh 4 viên đạn khi tung mình che chắn cho ông Fakhrizadeh". Ông Fadavi cho biết không có kẻ khủng bố nào tại hiện trường.
Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Tasnim News Agency |
Ông Fakhrizadeh thiệt mạng trong vụ tấn công bằng súng và bom xe ở ngoại ô Tehran – Iran ngày 27-11 khi đang lái xe trên đường cao tốc phía Đông thủ đô. Thông tin ban đầu về cuộc tập kích khá hỗn loạn, trong đó có nguồn tin nói ông Fakhrizadeh "bị kẹt trong một cuộc đấu súng giữa các vệ sĩ".
Đây là vụ ám sát quan chức cấp cao Iran thứ hai kể từ tháng 1 năm nay. Vụ ám sát đầu tiên do Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh, giết chết tướng Qassem Soleimani – tư lệnh lực lượng Quds của IRGC - bằng máy bay không người lái.
Iran đổ lỗi cho Israel về cái chết của ông Fakhrizadeh, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân thứ năm trên lãnh thổ Iran kể từ năm 2010. Israel không bình luận về cáo buộc này. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng nhắc đến ông Fakhrizadeh trong bài phát biểu về chương trình hạt nhân của Iran hồi tháng 4-2018. Đài Press TV cũng đưa tin "vũ khí sản xuất tại Israel" được tìm thấy tại hiện trường.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết ông Fakhrizadeh là một trong những cấp phó của mình, là giám đốc Tổ chức Quốc phòng, Nghiên cứu và Đổi mới của Bộ, tập trung vào lĩnh vực "phòng thủ hạt nhân".
Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)