Mỹ đang đưa ra những tín hiệu rất mạnh mẽ ở Biển Đông. Trong khi đó, có vẻ chiến thuật của Trung Quốc lấy thận trọng làm gốc, duy trì khai thác sức mạnh kinh tế và quân sự ngấm ngầm xây dựng lâu nay.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt rời căn cứ hải quân ở Guam ngày 21-5 - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Nếu các bạn nhìn vào Biển Đông, có một phương pháp trong cách Trung Quốc hành động, và đó là việc gây hấn liên tục, nỗ lực liên tục để thay đổi các quy tắc, thay đổi hiện trạng. Điều này cần phải bị chống cự. Bà ALICE WELLS |
Gần hai tháng kể từ lúc phải "nghỉ ngơi" vì ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đã quay lại.
Hải quân Mỹ thông báo con tàu chạy năng lượng hạt nhân lớp Nimitz này đã rời căn cứ ở Guam và tiến vào biển Philippines vào ngày 21-5 để thực hiện hoạt động kiểm tra khả năng cất và hạ cánh trên tàu sân bay.
Thông điệp mạnh mẽ và tới tấp
Sự trở lại của USS Theodore Roosevelt cũng thu hút sự chú ý lớn của giới quan sát trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, đặc biệt ở Biển Đông.
Có thể nói đây là sự hiện diện mang tính biểu tượng, khi Mỹ thời gian qua liên tục tố Trung Quốc lợi dụng COVID-19 và sự suy yếu vì dịch của hải quân Mỹ để đẩy mạnh các hoạt động quyết đoán ở Biển Đông.
Điều này được minh chứng khi hai ngày trước giờ tàu sân bay tái xuất, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á Reed Werner điểm lại ít nhất 9 vụ chạm mặt trên không giữa máy bay Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông kể từ giữa tháng 3-2020, trong khi một số quan chức Lầu Năm Góc khẳng định có nhiều vụ chạm mặt được thực hiện "thiếu an toàn".
Cũng trong vòng 48 giờ qua, Mỹ đã bắn hàng loạt tín hiệu cứng rắn đối với Trung Quốc liên quan tới vấn đề trên biển.
Hôm 20-5, không quân Mỹ trên Twitter cũng thông báo về việc triển khai máy bay ném bom B-1B ở Biển Đông. Phía Trung Quốc xem đây là một công cụ mới trong chiến lược ngăn cản Trung Quốc, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Li Jie nhận định.
Cùng ngày, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách Nam Á Alice Wells cũng "nhắc nhở" Ấn Độ về nguy cơ Trung Quốc đang tạo ra thế thượng phong trong căng thẳng biên giới Trung - Ấn. Bà Wells lấy Biển Đông ra làm minh chứng để cảnh báo những ai ở Ấn Độ nghĩ rằng Trung Quốc chỉ nói miệng chứ không hành động.
Ngoài ra, trong báo cáo tiếp cận chiến lược đối với Trung Quốc gửi Quốc hội ngày 21-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn nhận rằng Trung Quốc tiếp tục chiến thuật đe dọa và cưỡng ép ở Biển Đông.
Bản báo cáo có tên "Tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" này cũng khẳng định: "Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền di chuyển và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông.
Chúng tôi lên tiếng cho các đồng minh, đối tác trong khu vực và cung cấp hỗ trợ an ninh nhằm giúp họ xây dựng năng lực để chống cự nỗ lực của Bắc Kinh trong việc dùng các lực lượng quân sự, bán quân sự và thực thi pháp luật để cưỡng ép chiếm ưu thế trong các tranh chấp".
Trung Quốc "mũ ni che tai"?
Bắc Kinh có vẻ như không vội đáp trả quá gay gắt những động thái liên tiếp của Mỹ, song ngấm ngầm đưa ra những thông điệp cho thấy họ không bao giờ từ bỏ tham vọng chỉ vì áp lực ấy.
Mới nhất, có vẻ như Bắc Kinh đang mượn lời của học giả thân Trung Quốc, Mark J. Valencia, truyền tải thông điệp trên Asia Times ngày 20-5. Ông Valencia tố Mỹ dùng Trung Quốc tạo cớ duy trì sự hiện diện quân sự và bảo vệ lợi ích riêng ở Biển Đông.
Ông Valencia chỉ ra rằng Trung Quốc có sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng vượt trội nên sẽ không cư xử hòa nhã hay nhường nhịn. Thay vào đó, vị chuyên gia này khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận lâu nay để ngấm ngầm kiểm soát cục diện.
Lấy ví dụ, Trung Quốc thông qua các hoạt động xây dựng năng lực phát hiện tàu ngầm ở các đảo đá đang chiếm đã tăng cường khả năng vô hiệu hóa khả năng tình báo, do thám và trinh sát (ISR) của Mỹ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chiến thuật "mũ ni che tai" để tiến hành những hành động bất hợp pháp ở Biển Đông của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự chỉ trích của Mỹ mà còn bị cộng đồng quốc tế lên án.
Ông Trump muốn Mỹ đổi cách tiếp cận Trong báo cáo gửi Quốc hội ngày 21-5, chính quyền Mỹ cũng lưu ý rằng Chiến lược an ninh quốc gia 2017 đòi hỏi Mỹ phải "suy nghĩ lại về các chính sách trong hai thập kỷ qua". Theo đó, Mỹ nhìn nhận chính sách cũ dựa trên giả định rằng việc hòa hợp với đối thủ và đưa họ vào các tổ chức quốc tế, hệ thống thương mại toàn cầu sẽ biến họ thành những người hiền hòa và đối tác đáng tin cậy. Tuy nhiên đối với hầu hết giả định ấy, "tiền đề này hóa ra đã sai". Đây cũng chính là luận điểm giới học giả phương Tây ủng hộ, và cho rằng việc Mỹ "vỡ mộng" với Trung Quốc mới chính là xuất phát điểm của những va chạm không thể tránh khỏi, trong đó có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay kế hoạch rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc mà Washington được cho là đang thúc đẩy gần đây. |
NHẬT ĐĂNG (TTO)