Ngày 30-3, Nhật Bản và Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp chính phủ lần đầu tiên kể từ tháng 11-2012, trong bối cảnh xuất hiện các tín hiệu trái ngược từ Bình Nhưỡng về sự sẵn sàng cởi mở với thế giới bên ngoài.
Theo các quan chức chính phủ, trong cuộc đàm phán dự kiến kéo dài hết ngày 31-3 tại Bắc Kinh, Nhật Bản sẽ yêu cầu Triều Tiên thực hiện cam kết vào năm 2008 về việc điều tra lại vấn đề bắt cóc, một rào cản lớn trong việc bình thường hóa quan hệ song phương.
Tokyo, với nỗ lực tạo ra tiến triển trong vấn đề người Nhật bị các đặc vụ Triều Tiên bắt cóc nhiều thập niên trước, có thể sẽ đề xuất dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không chắc liệu chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe có động thái nào hướng tới việc khai thông vấn đề nhức nhối này hay không. Trong khi đó, Triều Tiên nhiều lần tuyên bố vấn đề này đã được giải quyết.
Năm 2002, Triều Tiên đã thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản vào thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước và cho biết 8 người trong số đó đã chết tại nước này, 5 người khác đã được trả về Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản đã phủ nhận kết quả mà Triều Tiên đưa ra và yêu cầu nước này tiếp tục điều tra để trả lại những người Nhật bị bắt cóc hiện vẫn còn sinh sống tại Triều Tiên.
Cuộc đàm phán tại Bắc Kinh được tổ chức sau hàng loạt cuộc tiếp xúc hậu trường giữa các nhà ngoại giao của hai nước kể từ tháng 12 năm ngoái nhằm xúc tiến giải quyết vấn đề bắt cóc.
Theo lời các quan chức, Nhật Bản đã thông báo với phía Triều Tiên về khả năng sẽ xem xét dỡ bỏ dần lệnh trừng phạt song phương đối với Bình Nhưỡng, như lệnh cấm vận đi lại... nếu cuộc điều tra được mở lại. Tuy nhiên, Tokyo có thể phải đối mặt với những quyết định khó khăn do Triều Tiên dường như không có dấu hiệu gì về việc sẽ ngừng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của họ.
Theo TTXVN