Tin tức

Nhật đưa PAC-3 đến Okinawa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tàu vận tải quân sự Kunisaki của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản sáng 3-12 đã rời căn cứ MSDF ở Kure, Hiroshima, mang theo tên lửa đánh chặn PAC-3.
 

Tên lửa PAC-3 được đưa vào tàu vận tải Osumi ở căn cứ MSDF tại Hiroshima.
Tên lửa PAC-3 được đưa vào tàu vận tải Osumi ở căn cứ MSDF tại Hiroshima.

Bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế đòi hủy bỏ vụ phóng tên lửa, Triều Tiên vẫn đặt tầng thứ nhất của  tên lửa tầm xa lên bệ phóng sau khi đã thông báo trực tiếp cho Washington kế hoạch phóng vào cuối tuần qua.

Thông báo phóng tên lửa của Triều Tiên được đưa ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp một đoàn đại biểu do tân Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình cử sang. Một số nhà phân tích cho rằng động thái của Bình Nhưỡng đồng nghĩa với việc lờ đi yêu cầu của Bắc Kinh ngừng mọi cuộc phóng tên lửa có thể có.

Trước đó, Trung Quốc bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa và thúc giục “các bên” không có bất kỳ hành động nào làm “trầm trọng thêm vấn đề”.

Ngay sau Trung Quốc, Nga cũng lên tiếng phản đối nhưng có phần mạnh mẽ hơn. Bộ Ngoại giao Nga đề nghị Triều Tiên không tiến hành vụ phóng tên lửa vì cho rằng hành động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ).

Lặp lại lời chỉ trích vụ phóng tên lửa hồi tháng 4 năm nay, Nga nói Triều Tiên đã được cảnh báo không xem thường một nghị quyết của Hội đồng Bảo an “cấm việc phóng tên lửa bằng cách sử dụng công nghệ đạn đạo”. Nga thường cân nhắc việc chỉ trích các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên và những vụ phóng tên lửa khi kêu gọi các cường quốc khác kiềm chế, không chống lại Bình Nhưỡng vì lý do mà Nga cho là “có thể phản tác dụng”.

Trong thực tế, các vụ phóng tên lửa trong quá khứ đã gây lo lắng đối với những người Nga sống gần biên giới với Triều Tiên.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Victoria Nuland lên án kế hoạch phóng tên lửa, xem đó là sự đe dọa mang tính khiêu khích đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bà cảnh báo rằng “dồn nguồn tài nguyên khan hiếm vào việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa chỉ làm cho Triều Tiên càng bị cô lập và nghèo đói hơn”.

Nhật Bản có lẽ là quốc gia láng giềng phản ứng mạnh mẽ nhất. Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã ra lệnh cho các thành viên nội các thu thập và phân tích thông tin về kế hoạch phóng tên lửa để có những biện pháp bảo vệ người dân hiệu quả nhất.

Tàu vận tải quân sự Kunisaki của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản sáng 3-12 đã rời căn cứ MSDF ở Kure, Hiroshima, mang theo tên lửa đánh chặn PAC-3 (Patriot Advanced Capability-3) dự định triển khai ở Okinawa để đối phó với kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên. Kunisaki và một tàu vận tải khác từ căn cứ MSDF là Osumi sẽ đến Okinawa trong một vài ngày tới.

Phân tích lý do Triều Tiên dự định phóng tên lửa, các nhà quan sát cho rằng trước hết Bình Nhưỡng có ý định tác động theo hướng tiêu cực đến cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc hoặc đang tìm cách đánh bại Seoul trong việc đưa một vệ tinh lên quỹ đạo.

Một số nhà phân tích khác tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn sử dụng vụ phóng vệ tinh lần này để xoa dịu lòng dân trước những khó khăn trong nước, đồng thời muốn chứng tỏ ông quyết theo đuổi đường hướng biến Triều Tiên thành một đất nước hùng mạnh và thịnh vượng.

Theo thông báo của Triều Tiên hôm 1-12, nước này có kế hoạch phóng “một tên lửa quan sát mặt đất” trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 12-12. Bình Nhưỡng cũng đã thông báo với các nước láng giềng đường đi của tên lửa lần này tương tự như đường đi được tính toán cho lần phóng tên lửa thất bại hồi tháng 4 năm nay.

Theo nld

Có thể bạn quan tâm