Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nhớ chiếc võng gai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trời nóng, điện lại bị cúp. Tôi lôi cái võng ra ngoài sân nằm cho đỡ oi bức, ngột ngạt. Tiếng sột soạt đều đều theo nhịp đu đưa của cánh võng làm tôi nhớ đến chiếc võng gai ngày ấy.

Tôi không rõ vì sao người dân quê mình lại gọi là võng gai. Hình như võng được đan bằng sợ gai thì phải. Hoặc là do cái cách mà người ta đan thủ công để tạo nên những mắt võng hình con rô giống như những cái gai nhọn mà thành tên. Thuở ấy, chúng tôi cũng chả cần để ý đến những điều đó, chỉ cốt làm sao được ngồi trên võng để mấy đứa phải đu võng cho mình là cười tít cả mắt rồi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Khu vườn nhà tôi xưa kia toàn mít là mít, xanh um và mát rượi. Khoảng năm 1990 thì làng tôi có điện nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhà nào sang lắm cũng chỉ có cái quạt điện. Mà để tiết kiệm điện, mẹ tôi chỉ cho bật quạt những lúc ngủ. Vì vậy, cái võng mẹ mắc vào 2 gốc cây mít hướng mắt ra những luống rau cải xanh mướt ấy trở thành vị cứu tinh cho anh em chúng tôi và lũ trẻ trong xóm.

Cứ tối đến là chúng tôi lại rủ nhau ra ngồi võng. Đứa nào cũng muốn ngồi nên thỉnh thoảng lại tranh giành, cãi nhau ỏm tỏi. Mỗi lần như thế, mẹ tôi lại cầm cái que chạy ra. Sau này, chúng tôi nghĩ ra trò oẳn tù tì, ai thắng thì ngồi trước rồi sau đó sẽ thay phiên nhau. Khi đu võng thì 2 đứa đứng ở 2 đầu võng và 1 đứa đứng phía giữa võng để sau tiếng hô “hai ba” là cùng nhau đẩy. Sợi dây võng dài nên khi dùng hết sức mà đu thì tốc độ của cái võng cũng khiếp lắm chứ chả đùa được. Đẩy càng mạnh, võng đu càng cao.

Tôi nhớ có lần đang tận hưởng cái cảm giác được đu hết tốc lực của cái võng thì chỉ nghe phựt một cái, tôi đã bay ra xa vài mét. Hậu quả, đầu gối nứt toác, chảy máu và trán sưng to một cục như quả trứng gà. Khi mẹ kiểm tra thì mới biết do đứa bạn bự con của tôi đu võng quá mạnh mà sợi dây lâu ngày bị sờn đi nên đã đứt và tôi mới bị văng ra xa như thế.

Sau lần đó, bố tôi cột lại võng cho chắc chắn hơn nhưng vẫn không thể rút ngắn được sợi dây nối 2 đầu võng vì vị trí 2 cây mít đã cố định như vậy rồi. Cho nên, bố luôn dặn chúng tôi ngồi phải cẩn thận kẻo ngã. Từ đó, tôi bất đắc dĩ trở thành “tấm gương” để các bà mẹ trong xóm dạy con phải cẩn thận khi chơi đùa.

Bây giờ, tôi không còn thấy loại võng gai này nữa. Có lẽ nó chỉ còn trong ký ức để ru ta trở về tuổi thơ, để những lo toan với bộn bề cuộc sống trở nên nhẹ tênh như những kỷ niệm ngọt ngào ấy.

Có thể bạn quan tâm