Xã hội

Gia đình

Nhớ cơm tập thể thời bao cấp...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những giọt mưa đầu mùa biến mất vào lòng đất, chỉ để lại cái dư vị khét nồng ngôn ngốt. Cao nguyên vẫn miên man một màu vàng úa đìu hiu… Dừng chân trước căn nhà cấp IV thấp tè đính những cánh cửa gỗ xộc xệch, tôi thầm nén một tiếng thở ra trong tâm tưởng: Nơi lập nghiệp của mình sẽ là đây!
Ngay chiều hôm đó, tôi đã được ăn bữa cơm tập thể đầu đời của một viên chức: cơm gạo rẫy độn khoai lang mọt; thức ăn là một tô canh rau muống, một khúc cá chuồn khô kho mặn. Đã quen với những bữa cơm sinh viên kham khổ, tôi chẳng lấy làm điều. Thậm chí còn so sánh: Dẫu sao thì cơm tập thể cơ quan vẫn ngon hơn!
Không phải là sự lạc quan tếu nếu ai đó đã trải qua thời sinh viên cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Đấy là quãng thời gian đất nước cực kỳ gian nan. Mọi nguồn lực phải ưu tiên để bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế sai lầm đã khiến chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực không năm nào đạt được. Nhưng dù hoàn cảnh khó khăn, sinh viên các trường đại học và trung học chuyên nghiệp vẫn được Nhà nước không những bao cấp hoàn toàn mà còn có chế độ ưu tiên. Trong khi cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp mỗi tháng chỉ có 13 kg gạo thì sinh viên được 17 kg.
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Tuy nhiên, 17 kg đó vì “lọt sàng xuống nia” bao nhiêu là khâu nên thực tế cũng chỉ còn khoảng 14-15 kg. Và lại phải “độn”. Tỷ lệ độn có khi lên tới 50%. Mì lát, khoai lang khô, tấm, bo bo là những thứ độn thường trực. Trong đó, kinh nhất là tấm và mì lát. Tiếng là gạo tấm nhưng phải 60% trong đó là đầu hạt lúa; cho vào miệng nhai cứ sào sạo như nhai cát. Còn mì lát, thứ chúng tôi ăn ngày đó chính là thứ mì bà con ta gọt vỏ, chặt khúc phơi bên vệ đường để làm thức ăn gia súc bây giờ. Để biến nó thành cái ăn, nhà bếp đem ngâm vào bể một đêm cho ngấm nước rồi cho vào chảo luộc. Với độ dày cả 2, 3  đốt tay như thế, lát mì ngoài thì nát bét nhưng bẻ ra bên trong vẫn cứ trắng hếu… Thấy sinh viên không ăn được đem vứt ngổn ngang, nhà trường đành xay thành bột làm bánh. Cứ mỗi bữa ăn, chúng tôi được lưng chén cơm với 2 cục bột luộc đắng ngắt như thế.
Dù vậy, mì lát-cái “bánh xe lịch sử” như sinh viên gọi đùa-vẫn dễ nuốt hơn là củ mì tươi. Mì tươi chúng tôi ăn bấy giờ người ta lấy ở Khu kinh tế mới Nam Đông (Huế). Đó là giống mì trắng, củ rắn cấc, rễ cỏ tranh xâu chi chít. Để kịp bữa ăn, nhà bếp chỉ có thể dùng dao cạo qua vỏ đất rồi luộc lên. Một lần chúng tôi được phát khúc mì cỡ bằng cán rựa, dài chừng gang tay để ăn sáng. Lên lớp được chừng nửa giờ, thốt nhiên mấy sinh viên ngồi bàn trước gục xuống rồi nôn ọe ầm ĩ. Nghĩ là bạn bị trúng gió, cả lớp xô lại xức dầu cạo gió. Nhưng càng cạo lại càng nôn. Khi ấy mới vỡ lẽ là do say mì. Từ sáng đến tối hôm đó, riêng lớp tôi đã có gần 20 “bệnh nhân” nhập viện. Khổ cho thầy chủ nhiệm, hôm đó cứ phải thường trực trên tay ấm nước đường; hễ nghe báo tin em nào nôn ọe là lập tức chạy đến “giải độc” rồi gọi xe cấp cứu.
Đói, đói và đói… Cái ngôn từ khốn khổ ấy cứ như một vệt hằn trong tâm trí chúng tôi mỗi giờ lên lớp, mỗi bước chân lên thư viện. Bấy giờ, điều mơ ước lớn lao nhất là chỉ được ăn một bữa cơm cho thật no, dù chỉ với muối mắm hay là gì cũng được. Ấy thế nên tôi mới hài lòng với bữa cơm tập thể đầu đời làm viên chức là vậy.
Thực ra thì khi ấy chẳng riêng gì cơ quan tôi, cơm tập thể của các đơn vị hành chính sự nghiệp khác cũng na ná như thế, nghĩa là cũng cơm độn, canh rau muống và món thường trực là… cá chuồn khô. Chẳng hiểu bấy giờ cá chuồn đâu mà nhiều thế! Đã kinh sợ trong bữa cơm thường nhật rồi, bạn gọi nhậu cũng lại cá chuồn khô, ăn phở cũng gặp cá chuồn khô; ra chợ cũng lại lù lù từng đống cá chuồn khô trắng phếu… Thấy đời sống cán bộ, công chức, viên chức kham khổ quá, nhiều cơ quan đành phải nghĩ “kế sinh nhai”: này thì nuôi bò, này thì trồng lúa, thậm chí là trồng su su… Cơ quan tôi lúc đó cũng nuôi đâu được 4, 5 con bò. Lời lãi thế nào chẳng biết nhưng chỉ duy nhất một lần tôi được nếm mùi thịt bò cơ quan. Ấy là cái Tết năm 1984. Tết đó vì không có tiền về quê, tôi đành ở lại và được chia cho… 3 lạng thịt bò, một cái bánh chưng và một chai rượu chanh Hà Nội. Đêm Giao thừa, tôi và Kim Tuấn chén hết một suất, còn một suất dành cho sáng mùng Một. Chiều hôm đó và cả ngày mùng Hai, mùng Ba, vì bếp tập thể cơ quan chưa nhóm, 2 đứa đành lẽo đẽo đi bộ ra chợ mua rau về… ăn Tết !
Mới đó mà những “cơm độn”, “cơm tập thể” dường như chỉ những ai ở độ tuổi 40 trở lên mới tường. Nhắc lại những bữa cơm tập thể thời khốn khó để thấy ý nghĩa lớn lao của công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là với thế hệ trẻ hôm nay. Như con trai tôi thuộc thế hệ 9X, một lần vui miệng, tôi đã kể cho cháu nghe cơm sinh viên, cơm tập thể thời bao cấp là thế nào… Cháu ngồi nghe chăm chú rồi buông một câu: “Chắc là ba nói quá. Ăn như thế thì làm sao sống được, nói gì đến học tập và làm việc!”.   
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm