Đây có thể coi là một trong những mốc lịch sử về lũ lụt mưa bão ở miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên-Huế. Những ngày mưa lũ đầu tiên, cứ ngỡ Thừa Thiên-Huế chỉ bị vừa phải, trong khi bị nặng là Quảng Bình, Quảng Trị. Ngờ đâu…
Lực lượng tham gia công tác cứu hộ tìm đường vào hiện trường vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3. |
Huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), nơi có lần nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã đưa tôi về thăm phía đông huyện, nơi anh Điềm sinh ra. Phía đông là những trảng cát, những chằm (đầm) rộng, những phá vừa hoang sơ vừa thu hút.
Nhưng phía tây huyện, nơi tôi chưa có dịp tới, lại là vùng rừng núi. Phía tây huyện Phong Điền ấy đã thành nơi rất nguy hiểm trong đợt bão lũ vừa rồi. Chỉ trong 10 ngày, miền Trung đón 3 cơn bão và áp thấp kèm mưa xối xả, chưa bao giờ mật độ bão lũ lại dày đến như vậy trong thời gian ngắn.
Thủy điện Rào Trăng 3 đã thành nơi đầu tiên xảy ra thảm họa. Nhiều công nhân bị núi lở vùi lấp. Ban đầu chỉ là vài bản tin ngắn đặt nghi vấn thủy điện Rào Trăng 3 gặp nạn. Nhưng rồi, đó đã được xác nhận là tin đúng, thảm họa đã xảy ra.
Cứu người gấp hơn cứu hỏa.
Và một đoàn cán bộ, gồm những sĩ quan đã dạn dày kinh nghiệm cứu hộ, cả ở Hà Nội, cả ở Quân khu 4, đã lập tức lên đường vào Phong Điền. Từ Phong Điền, đoàn được bổ sung thêm 2 cán bộ dân sự là Chủ tịch UBND huyện Phong Điền và một trưởng phòng của Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên-Huế. 21 người nhằm hướng ây, phía về thủy điện Rào Trăng 3 thẳng tiến. Nhưng mưa lũ, sạt lở núi, vùi lấp đường, đêm tối mịt mù đã đưa họ tới trạm kiểm lâm vùng 67 vắng người và đầy oan nghiệt. Cứ ngỡ chỉ ngả lưng chờ sáng lại tìm đường tới Rào Trăng, nào ngờ, khoảnh khắc đất đá bùn từ núi lở phá dòng ào xuống, trong chốc lát biến khu nhà trạm kiểm lâm thành một bãi đá và bùn. Có 8 người trong đoàn do nằm ở chái nhà đã thoát được, còn 13 người không có may mắn như vậy. Họ đã hy sinh khi đích tới là Rào Trăng 3 chỉ còn mấy cây số nữa.
Đây là đoàn tiền trạm chỉ huy cứu hộ, vì thế trưởng đoàn là một thiếu tướng phó tư lệnh Quân khu 4 - anh Nguyễn Văn Man, quê Quảng Bình. Đi tiền trạm trong điều kiện nguy hiểm như vậy, chỉ vì muốn cứu đồng bào của mình gặp nạn, họ đã quên mình. Như những người lính ngày trước ra trận thường bảo nhau: “Đạn tránh mình chứ mình sao tránh được đạn”. Đau đớn thay, lần này, “đạn” là dòng thác đất đá và bùn lở núi đã không tránh họ.
Lực lượng thực hiện công tác cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3. |
Trên mạng xã hội, nơi mọi người có thể tự do đưa ra ý kiến của mình, đã có rất nhiều bình luận. Thương xót, đau đớn, chia sẻ, cảm phục…đều có. Nhưng cũng có những bình luận không thiện ý, nhất là với những người lính cứu hộ đã hy sinh. Đó không chỉ là điều đáng tiếc, mà không thể chấp nhận được.
Khi trong thời bình, lũ lụt có từng vùng, tai họa cũng ập đến từng nơi, nếu không có ai dấn thân vào những nơi đó, thì lấy ai cứu những người gặp nạn?
Phải có những người cứu hộ dấn thân, thậm chí liều thân để mở đường, thì xã hội mới thấy độ kinh hoàng của tai họa, và những cảnh báo về tình trạng thủy điện phá rừng bạt núi, xả lũ mỗi khi lũ lụt mới khiến không chỉ người dân, mà nhà nước phải suy nghĩ. Không thể để tình trạng này kéo dài từ năm này sang năm khác, trong khi chúng ta cứ hô hào về nguy cơ biến đổi khí hậu. Thử hỏi, nếu biến đổi khí hậu không gặp một hệ thống thủy điện dày đặc từ những cánh rừng phía tây như thế, thì tai họa có lớn như vậy không ?
Những người chiến sĩ cứu hộ đã hy sinh, 13 người lính ấy, họ là những người anh hùng trong lòng nhân dân. Họ thức tỉnh chúng ta về tai họa, họ liều thân cứu những người gặp nạn, họ cảnh báo về nguyên nhân của tai họa. Họ kêu gọi tới những giải pháp nhằm giảm thiểu tai họa. Họ đã không về, không bao giờ về nữa.
Nhưng họ mãi còn, mãi về trong ký ức của nhân dân, nhất là nhân dân huyện Phong Điền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và miền Trung. Tôi xin phép được tưởng nhớ họ bằng một bài thơ ngắn:
NHỮNG NGƯỜI TỐT KHÔNG VỀ NỮA
Họ đi như những người lính vào mặt trận
đối đầu bao hung hãn
mưa trút
thủy điện xả lũ
họ đi cứu đồng bào mình
Rào Trăng 3
có 13 người lính
đã vào trận thì đều là lính
họ đâu biết mình hy sinh lúc nào
như mọi người lính vẫn thường bảo nhau:
“đạn tránh mình chứ mình sao tránh đạn”
những người tốt nhất không trở về
câu trả lời dành cho rừng trơ
núi trọc
ai cũng biết đường họ đi cực nhọc
ai cũng biết vì sao lũ dữ
chỉ khi họ không về
ta mới vỡ ra
họ là người tốt
những người lính hy sinh trong thời bình
có khiến ta sửng sốt ?
chủ tịch huyện ở nhà cấp 4
có khiến ta mủi lòng ?
một vị tướng dẫn đoàn cứu hộ giữa rừng hoang
xuyên đêm mưa trút
có khiến ta xa xót ?
tất cả họ không về
không bao giờ về nữa
có khiến ta khắc khoải?
Theo THANH THẢO (TNO)