Không chỉ những con số thống kê, nhiều tín hiệu cho thấy sức mua đang phục hồi trở lại.
2 ngày cuối tuần vừa rồi hầu hết các cửa hàng tại Trung tâm thương mại Vincom (Q.1, TP.HCM) đông nghẹt khách. Trước cửa nhà hàng Hokkaido luôn có 5 - 7 khách xếp hàng đợi đến lượt. Điều này cũng diễn ra tương tự ở nhà hàng nướng GoGi House, Haidilao, Wrap & Roll. Còn các quán cà phê Highland, Cộng, kem, trà sữa bàn nào cũng chật kín khách. Khu vực shopping phía trên còn đông đúc hơn, phòng thử đồ, quầy thanh toán ở H&M, Zara... khách phải chờ đợi khá lâu mới đến lượt. Lượn một vòng qua các siêu thị Big C, Co.op... không khí mua sắm cuối tuần cũng nhộn nhịp, khẩn trương, nhất là ở các quầy hàng thiết yếu.
Sau thời gian đủng đỉnh, thì anh Minh - chủ một nhà hàng bình dân ở Q.4 (TP.HCM) cũng vừa cấp tốc đưa vào hoạt động khu vực mở rộng bởi nhu cầu đã hồi phục sau khi giảm mạnh vì dịch trước đó. Nhiều chuỗi ẩm thực mở thêm điểm mới, thị trường cũng có nhiều thương hiệu lạ tham gia. Dù chưa phải tổng thể của bức tranh dịch vụ nhưng có thể thấy, đã khá lâu rồi, TP.HCM mới trở lại bầu không khí quen thuộc này.
Sau hơn 2 năm phòng chống dịch và nửa năm kể từ khi mở cửa kinh tế trở lại, sức mua ở TP.HCM đang có dấu hiệu tăng rõ rệt bất chấp khó khăn ở phía trước vẫn còn rất nhiều. Trên bình diện chung, lĩnh vực du lịch, hàng không cũng tăng tốc mạnh mẽ nhờ lực cầu nội địa. Còn cả tháng nữa mới tới dịp lễ 30.4 - 1.5, nhưng vé máy bay nhiều chặng “hot” đã khan hiếm, không ít khách sạn lớn kín phòng, nhiều điểm đến dự báo quá tải. Cầu tăng thì cung tăng. Dịch vụ, hàng hóa tiêu thụ được kéo theo nhu cầu vốn để mở rộng hoạt động của doanh nghiệp (DN) tăng mạnh. Thực tế này được phản ánh qua các con số thống kê. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng quý 1/2022 đạt 5,04%, mức cao so với những năm gần đây và rất cao so tỷ lệ 1,26% của năm 2021. Nói đơn giản thì vốn đang chảy mạnh vào nền kinh tế.
Con số này cũng “khớp” với số liệu từ Tổng cục Thống kê về lượng DN thành lập mới cũng như quay trở lại hoạt động. Cụ thể, quý 1 cả nước có gần 34.600 DN đăng ký thành lập mới và 25.600 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên 60.200 đơn vị. Tính ra bình quân một tháng có tới hơn 20.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Một con số vô cùng ấn tượng trong giai đoạn đầu của thời kỳ phục hồi kinh tế.
Một yếu tố hết sức lạc quan không thể bỏ qua đó là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 3 tháng đầu năm 2022 cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Giải ngân đầu tư công cũng tăng tốc với hàng loạt các công trình trọng điểm quốc gia được khởi công, đẩy nhanh tiến độ và về đích. Rõ ràng, vốn nội vốn ngoại đã và đang kích hoạt sản xuất kinh doanh, kích thích sức mua trên thị trường.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm liên quan đến triển khai các gói hỗ trợ DN, người dân thiết thực hơn, nhanh hơn; điều chỉnh các chính sách thuế phù hợp với tình hình mới; kiểm soát bão giá, tăng thu nhập cho người dân... để tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong thực thi các kế hoạch đề ra.
Nhưng với những tín hiệu lạc quan nói trên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo Nguyên Khanh (TNO)