Xã hội

Gia đình

Nỗi cô đơn của người già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa nhận được giấy mời dự một cuộc giao lưu văn nghệ dành cho người cao tuổi ở phường Diên Hồng, TP. Pleiku. Đọc qua nội dung ghi trên giấy mời, tôi thừ người nghĩ ngợi. Dường như sân chơi dành cho người cao tuổi hiện khá hiếm hoi hoặc nếu có cũng không phải chủ đề hấp dẫn. Vẫn biết, ở bất cứ độ tuổi nào, con người ta cũng có nhu cầu được giao lưu, vui chơi, chia sẻ; nhưng với người cao tuổi, tổ chức sân chơi phù hợp đã khó, tìm được sự đồng cảm, chia sẻ từ con cái, người thân còn khó hơn.
Sự cô đơn của người già càng đáng suy ngẫm (ảnh internet)
Tôi nhớ vài năm trước, có dịp viết về các hoạt động của người cao tuổi ở một xã của huyện Mang Yang, người đứng đầu các hoạt động phong trào ở đây chia sẻ, tham gia các hoạt động thơ ca, văn hóa văn nghệ khiến cho cuộc sống của những người trong độ tuổi như bà có ý nghĩa hơn. Thế nhưng, dường như con cái lại không hiểu điều này. Các con cho rằng, bà “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Theo ý con, bà nên dành thời gian để nghỉ ngơi, trông cháu thay cho việc chạy làng trên xóm dưới vận động người cao tuổi tham gia các hoạt động tại địa phương.
Tìm hiểu thêm ở một vài gia đình khác, tôi cũng nhận được phản hồi tương tự. Phải chăng, con cái không hiểu được niềm vui tuổi già mà áp đặt suy nghĩ lên cha mẹ mình? Hoặc đã quá ích kỷ khi chỉ biết tìm niềm vui cho mình mà quên đi rằng, cả cuộc đời sống vì con, về già người cao tuổi cũng có nhu cầu được sống cho mình, vì mình. Họ cũng rất cần có những sân chơi phù hợp. Ở đó, họ tìm được người để bầu bạn, có thể chỉ là đọc cho nhau nghe những vẫn thơ vừa làm được, kể về sự thành công của con cháu, chuyện tập dưỡng sinh, ăn thực dưỡng… Họ tìm thấy ở đó sự chia sẻ mà chưa hẳn các con đã chịu lắng nghe.
Tôi có chị bạn là chủ một quán cà phê. Chị kể, quán có một người khách quen đã lớn tuổi. Ông hay tới uống một mình mỗi buổi sáng. Thỉnh thoảng, chị ngồi lại nói dăm ba câu chuyện với khách. Vài lần chị bắt gặp người khách lớn tuổi cầm điện thoại lên nói chuyện một mình y như có ai gọi tới. “Ban đầu, tôi thấy lạ lùng quá, sau đó nghĩ rằng thần kinh của bác ấy có vấn đề. Nhưng rõ ràng đó là một vị khách rất lịch thiệp, ăn nói nhẹ nhàng, am hiểu nhiều vấn đề xã hội. Một hôm vì quá tò mò, sau khi bác nghe điện thoại xong tôi hỏi thẳng sao không có ai gọi mà bác cứ nghe điện vậy. Ban đầu bác ấy chối phăng. Nhưng sau đó, bác nói với tôi vì bác cô đơn quá. Tôi đã sựng lại vì câu nói đó. Bác ở cùng phường với tôi, có gia đình, con cái đề huề, vậy mà sao lại cô đơn như vậy”-chị kể.
Chúng ta thường hay nhắc đến cụm từ “người trẻ cô đơn”. Nhưng suy cho cùng thì ở tuổi nào, có lúc con người ta cũng cô đơn như nhau. Sự cô đơn của người già càng đáng suy ngẫm bởi họ đã đi qua tuổi trẻ, đi qua những năm tháng vật lộn với những khó khăn, thiếu thốn để gầy dựng cuộc sống, xây đắp gia đình. Nhưng có nhiều người trong số này, lúc về già, họ lại cô đơn khi cháu con đầy đủ, trưởng thành. Phải chăng, chúng ta cứ mải mê với công việc, với những mối quan hệ bên ngoài, với gia đình riêng của mình mà bỏ quên những người lớn đang âm thầm về bên kia dốc đời, những người đã hy sinh một đời vì con. Nhiều người vẫn quan tâm tới cha mẹ già bằng cách mua thuốc bổ, áo quần, cho tiền bạc… nhưng lại quên đi đời sống tinh thần của người già, trong khi thứ nhiều người cao tuổi cần, nhiều khi lại không phải là vật chất.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm