Thời sự - Bình luận

Nỗi lo thiếu trường, thiếu giáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày tựu trường đã gần kề, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thông báo năm nay số học sinh từ mầm non đến THPT tăng hơn 22.000. Với số lượng này, yêu cầu số phòng học cũng tăng theo và nỗi lo thiếu giáo viên đang hiển hiện.

Có thể nói TP HCM là địa phương có cơ sở vật chất cho giáo dục thuộc diện tốt nhất nước. Nhưng bởi là trung tâm kinh tế nên nơi đây cũng thu hút nhiều lao động nhất và áp lực về các mặt giáo dục, y tế… cũng tăng tương ứng. Chỉ trong năm học 2022-2023, TP HCM đưa vào sử dụng thêm 575 phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Giáo viên cũng thiếu trầm trọng, khoảng 5.000 người.

Đây cũng là bức tranh chung của hầu hết các địa phương khác. Đặc biệt, những địa phương vùng sâu, vùng xa, kinh tế chưa phát triển thì tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên còn nặng nề hơn nhiều. Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết trong năm học này sẽ tăng thêm 29.000 học sinh và hiện tỉnh đang thiếu tới 3.000 giáo viên. Tỉnh Nghệ An năm 2021 được bổ sung 2.800 giáo viên nhưng đến năm nay vẫn còn thiếu 6.000 giáo viên. Ngay tại thành phố lớn như thủ đô Hà Nội cũng cần hơn 7.000 giáo viên các cấp học; thiếu phòng học nên nhiều trường phải dồn lớp, dồn học sinh vượt qua tiêu chuẩn quy định.

Trong Quyết định 71 của Bộ Chính trị vừa mới ban hành về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, nêu rõ trong giai đoạn này toàn quốc cần bổ sung 65.998 giáo viên. Đây là con số rất lớn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của hệ thống chính trị cả quốc gia mới có thể đáp ứng được cho ngành giáo dục.

Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp đã diễn ra từ nhiều năm và liên tục cho đến nay. Không ít địa phương tự hào về tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc, khả năng thu hút đầu tư hàng tỉ USD… nhưng điều đó liệu có đáng tự hào và bền vững khi hệ thống giáo dục lại có phần chệnh choạng. Thật khó viện dẫn khó khăn để chấp nhận thực trạng này. Đất đai ở địa phương không thiếu. Mỗi năm có thể giao cả ngàn hecta cho doanh nghiệp làm kinh tế thì không lý do gì không có nổi vài hecta dành cho giáo dục. Nguồn thu ngân sách của địa phương mỗi năm lên đến cả chục ngàn tỉ đồng thì không thể không tiết kiệm được vài trăm tỉ đồng dành cho xây trường…

Vấn đề thiếu trường học, thiếu giáo viên cần phải giải quyết ở tầm quốc gia. Dân số tăng theo một tỉ lệ nhất định chứ không thể tăng đột biến nên hằng năm, các cơ quan chức năng quốc gia sẽ nắm được số trẻ ở độ tuổi đến trường. Tương ứng sẽ cần bao nhiêu lớp học, bao nhiêu giáo viên. Từ đây, quy hoạch ngành sư phạm các cấp, thậm chí là tạo điều kiện ưu đãi tối đa để nâng tỉ lệ giáo viên được đào tạo cho từng cấp học.

Không thể mãi lần lữa. Giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách của từng địa phương và quốc gia. Chăm sóc giáo dục chu đáo cho thế hệ hiện tại thì chúng ta mới có đội ngũ nhân lực mạnh, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hoàn thiện các kế hoạch của tương lai.

 

Theo HIẾU NGHI (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm