Thời sự - Bình luận

Nỗi lo từ bão số 5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bão Conson - cơn bão số 5 trên biển Đông - đổ bộ vào đất liền nước ta sáng 12-9, gây mưa lớn và ngập cục bộ ở gần chục tỉnh, thành. Nhiều địa phương đã phải vội vã sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Một ngày trước đó, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - cho biết điều đáng lo nhất là nếu bão số 5 đổ bộ thì vấn đề bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực đang có dịch Covid-19 sẽ triển khai thế nào.

Khu vực miền Trung bị ảnh hưởng nặng nhất sau bão số 5, trong khi nơi đây có hang ngàn ca F0 đang được chăm sóc y tế. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, tình hình kinh tế khó khăn. Bão ập vào, mưa trút xuống, nhiều đồng lúa ngã rạp, ngập nước; nhiều diện tích hoa màu thất thu, việc nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Thiên tai cộng thêm dịch bệnh khiến khó khăn càng chồng chất, trong khi người dân đã đuối sức qua nhiều tháng cầm cự với dịch Covid-19.

Ai cũng biết, trong lúc nhiều người dân ở các địa phương phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang khó khăn, thiếu thốn do dịch bệnh thì các gia đình ở vùng quê miền Trung đã âm thầm tiếp tế con em mình. Con cá, mớ rau, ít thịt heo gà… mà từng nhà tự nuôi tự trồng ở quê đã trở thành nguồn thực phẩm hỗ trợ thiết thực cho hàng ngàn gia đình nơi đô thị. Tuy ở quê còn rất khó khăn nhưng nguồn tiếp tế này luôn bền bỉ, đầy tình thương. Nay bão đến, nỗi lo nhân đôi ở cả hai phía.

Mỗi năm, trung bình nước ta phải hứng chịu khoảng chục cơn bão. Năm nào may mắn thì bão ít và nhẹ, còn trái lại thì khó khăn trăm bề. Nhưng đã là quy luật thì không còn cách nào khác là phải thích ứng và có kế hoạch chuẩn bị. Nói gì thì nói, chuẩn bị kiểu gì rồi cũng phải quy ra tiền, trong khi mức thu cho Quỹ Phòng chống thiên tai còn thấp. Thậm chí, đến tháng 8-2021, nhiều tỉnh, thành ở miền Trung chỉ dư vài trăm triệu đồng, có nơi 0 đồng, trong khi thời điểm này chỉ mới bắt đầu mùa mưa bão.

Các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa bão cũng không thể mãi chờ chi viện từ trung ương. Tự mỗi địa phương cần có quỹ dự phòng an sinh để ứng phó với hoàn cảnh. Nhưng cũng khó thể huy động từ người dân nữa, bởi họ đã nặng gánh lắm rồi. Nhiều địa phương kêu khó nhưng có thể trích quỹ dự phòng đầu tư, dự phòng ủi ro ngân hàng, dự phòng từ các dự án kinh tế…, thì quỹ dự phòng dành cho an sinh cũng không phải là quá sức. Mỗi mùa bão đi qua là hàng chục địa phương phải xin trung ương hỗ trợ gạo. Vài trăm tấn, thậm chí cả ngàn tấn gạo, đắt lắm cũng vài chục tỉ đồng, không lẽ quá sức với các địa phương?

Bão còn tiếp tục đến, dịch bệnh còn kéo dài, cuộc sống của người dân còn tiếp tục khó khăn nên nếu chỉ trông chờ vào nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai để ứng phó là không ổn. Trong lúc này, các nguồn quỹ tích lũy từ lâu cần phải phát huy tác dụng, như BHXH, tiết kiệm chi thường xuyên… Cần thiết cũng nên cắt bớt những dự án đầu tư chưa cấp thiết như quảng trường, nhà hát, sân golf… để dành tiền lo cho dân.

Theo HIẾU NGHI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm