Xã hội

Gia đình

Nỗi niềm "Vợ Công an"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày ấy, khi tôi thông báo với bạn bè và mọi người xung quanh là sẽ lên xe hoa với anh-một chiến sĩ Công an nhân dân. Đa phần mọi người đều cười tươi, ủng hộ nhiệt tình với những câu nói tựa như: “Số sướng, lấy chồng công an oách, có lương ổn định”, số ít còn lại bảo: “Ôi giời, sau này tha hồ ở một mình, tha hồ mà chăm lo cho con nhé”. Tôi vui cười nhận tất cả những lời chúc mừng, lời bàn tán của mọi người xung quanh để về làm vợ anh với cái danh “vợ công an”.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Rồi đúng như lời mọi người nói, lễ cưới diễn ra “hoành tráng”với những chiếc ô tô sáng bóng do các chiến sĩ công an cường tráng, phong độ dẫn đầu đoàn xe. Thế nhưng, niềm vui thật ngắn ngủi, kỳ phép của anh chỉ đủ cho chúng tôi đi chụp ảnh ngoại cảnh, hoàn tất các thủ tục chuẩn bị lễ cưới nên sau đó chỉ còn vài ngày ra mắt họ hàng hai bên, không có cái gọi là tuần trăng mật ở Đà Lạt mộng mơ như tôi từng mơ ước. Và khi tôi chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng, những ngày cuối thai kỳ anh lại đi công tác ở Vân Canh (Bình Định). Đêm đó, tôi đau toát mồ hôi, bụng méo sang một bên tưởng sắp chuyển dạ. Điện thoại cho anh, anh khẽ nói: “Con gái yêu, đợi bố về rồi con mới chào đời con nhé”. May sao bé con nghe lời bố, hai ngày sau anh đi công tác về, bé con chào đời trong vòng tay âu yếm có bố và mẹ.

Lúc con gái được 10 tháng tuổi, tôi và anh ra ở riêng. Cuộc sống bắt đầu trở nên bận bịu và thay đổi với tôi. Tôi có thể đi làm muộn một xíu, về sớm một xíu. Còn anh cứ đều đặn 7 giờ sáng phải có mặt để giao ban, lịch trực hàng tuần và lịch đột xuất cứ thế luôn hiện hữu. Nhà tôi lại xây ở vùng đất nông nghiệp mới khai hoang vắng vẻ, không có điện đường, không có nhà ở. Nhiều đêm con đau quấy khóc, không ngủ được, anh lại đi trực, tủi thân quá lại nhắn tin cho anh “suốt ngày đi, suốt ngày trực”. Rồi hàng tháng khi anh vẫn đưa lương đều đặn với mức lương cao gấp đôi cán bộ công chức, viên chức ở các khối khác. Mọi người ai cũng bảo sướng, lương một người bằng hai người, tha hồ chi tiêu. Nhưng chắc chỉ có tôi và những người chung cảnh ngộ “vợ công an” mới thấu hiểu những nỗi lòng, sự hi sinh và gian khó khi không được chồng chia sẻ thường xuyên, khi đêm đêm phải thường xuyên ngủ một mình. Trời mưa to, gió bão, Đài thông báo xả lũ… nhà nhà đều sum họp bên nhau, còn anh phải đi trực ứng phó với bão, vẫn chỉ hai mẹ con ngồi trong nhà lắng nghe tiếng mưa. Chưa kể đêm 30 Tết, một mình đặt con gà trống lên cúng giao thừa, không dám mở cửa vì sợ nhưng lại nghĩ không mở cửa sao “ông táo” vào nhà được, thế là mở 1 cánh cửa và ngồi ngay giữa nhà, trong tay ôm khư khư cái điện thoại giữa không gian xung quanh là đám thanh niên trốn đốt pháo bùng bùng và tiếng còi của những chiến sĩ công an đi giữ gìn an ninh trật tự.    

Những ngày ra ở riêng, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến hai từ “trộm” và “ma”, nhưng hình như “thời thế nảy sinh anh hùng” dần dần tôi cũng trở nên gan dạ mà theo như cách của đồng nghiệp tôi bảo “anh hùng khai hoang vùng đất, anh hùng đêm khuya”. Tất cả rồi cũng đi vào nếp ổn định, một mình tôi chăm lo cho con, lo công việc của mình. Không còn cái cảm giác sợ đêm khuya để đóng cửa bịt bùng nữa. Duyên nợ đã cho tôi gặp anh và mang danh “vợ công an”, đến giờ tôi cũng không tiếc nuối gì chỉ thi thoảng mệt mỏi và vất vả thấy tủi thân một chút. Nhiều người cứ thấy các chiến sĩ khoác lên bộ đồ công an là nghĩ sướng, nghĩ những người vợ được tiêu tiền thoải mái, không phải sắm sửa quần áo cho chồng. Có nhiều người còn nói vợ cảnh sát giao thông ở nhà chơi không cũng có tiền. Chồng tôi không phải là cảnh sát giao thông nhưng tôi cũng hiểu phần nào “nỗi lòng của cảnh sát giao thông” với những câu nói khó nghe từ mọi người. Cuộc sống không gì hoàn hảo, luôn có tính chất hai mặt. Nếu không có những tiếng tuýt còi và những chú cảnh sát giao thông trên các tuyến đường thì liệu trật tự an toàn giao thông sẽ thế nào vàsố vụ tai nạn giao thông có được kiềm chế không? Ở địa bàn của chồng tôi công tác, không phức tạp lắm như các thành phố lớn, không phải thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập nhưng sự vắng nhà và tư thế sẵn sàng vì công việc luôn ở hàng đầu.

Ngày 19-8 về, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động với những tâm tư của một người “vợ công an”, nhưng cũng cố gắng và tin rằng mình sẽ luôn là hậu phương vững chắc cho chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ Công an nhân dân.

Phương Liên

Có thể bạn quan tâm