Đó là vấn đề phải đặt ra một cách nghiêm túc đối với lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ Xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP HCM, khi để xảy ra việc cán bộ của trung tâm dâm ô người dưới 18 tuổi.
Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã lên kế hoạch tổ chức kiểm điểm tập thể và các cá nhân liên quan đến vụ dâm ô trẻ em ở Trung tâm Hỗ trợ Xã hội. Vụ việc bị lộ ra đến nay đã gần 1 tháng, dư luận vẫn đang chờ một "bản án" nghiêm khắc từ cơ quan chức năng.
Sở dĩ dư luận đặt vấn đề từ chức đối với lãnh đạo Trung tâm, bởi vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài nhưng lãnh đạo cơ sở này không phát hiện.
Câu hỏi đặt ra là có hay không sự bao che, dung túng từ những người quản lý hay năng lực quản trị, điều hành của người đứng đầu có vấn đề? Với bất cứ lý do nào thì người đứng đầu không nên tiếp tục quản lý, điều hành mà cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và nên từ chức. Đây cũng là điều dư luận đang mong chờ một cuộc kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc, chỉ ra được những sai phạm trong công tác quản lý, điều hành của những người có liên quan, sau khi có chỉ đạo chấn chỉnh của UBND TP HCM.
Nói thẳng, xét về trách nhiệm, không chỉ lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội chịu trách nhiệm mà một số cá nhân của Sở LĐ-TB-XH TP HCM được giao phụ trách quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có Trung tâm này cũng cần bị xử lý kỷ luật một cách thích đáng, bởi đã không kịp thời phát hiện những sai phạm động trời. Nếu lãnh đạo các phòng ban của Sở được phân công theo dõi công việc này, sâu sát hơn, trách nhiệm hơn thì có lẽ đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động của Trung tâm hỗ trợ xã hội nói riêng và cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, người đứng đầu các cơ sở này phải có trách nhiệm trong việc quản lý, tuyển dụng nhân sự, phải đảm bảo người được tuyển dụng có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích. Về trách nhiệm pháp lý, khi để người không đủ tiêu chuẩn vào làm việc và gây ra tội phạm, người đứng đầu không thể thoái thác trách nhiệm.
Ngoài việc làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan thì cuộc kiểm điểm tới đây theo kế hoạch của Sở LĐ-TB-XH cũng cần đưa ra được giải pháp để quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập một cách khoa học, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tương tự. Đồng thời, Sở LĐ-TB-XH cũng cần bố trí những người có tâm, đạo đức và đặc biệt có tấm lòng yêu thương trẻ em cơ nhỡ để chăm sóc, lắng nghe các em. Cần có cơ chế để cho các em phản ảnh những hiện tượng bất thường đối với hành vi, thái độ của cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần loại vĩnh viễn những người không đủ năng lực, phẩm chất, tiêu chuẩn ra khỏi công tác bảo trợ xã hội công lập. Đối với các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, cần rà soát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, kể cả việc thu hồi giấy phép nếu xảy ra những sai phạm nghiêm trọng.
Thà làm quyết liệt một lần để không tái diễn những sự việc đau lòng. Đừng để "sợi dây kinh nghiệm" rất dài, rút hoài nhưng không thấy dừng lại.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - nhân viên Phòng Quản lý hồ sơ, giáo dục tư vấn, Trung tâm Hỗ trợ xã hội (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã có hành vi dâm ô nhiều bé gái. Hiện Công an quận Bình Thạnh đã bắt giữ khẩn cấp ông Dũng để điều tra về hành vi dâm ô trẻ em. |
Theo Lâm Hoàng (NLĐO)
Ảnh: Lê Duy