Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Sốc với bí mật "chuyến bay giải cứu" được phơi bày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những mảng tối của vụ án trục lợi trên các chuyến bay giải cứu công dân trong đại dịch COVID-19 ngày càng lộ rõ. Vô cùng nhức nhối!

Mở rộng điều tra vụ án tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố thêm 7 đối tượng liên quan.

Quả là khủng khiếp!

Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, nhiều công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về quê hương; nhiều doanh nghiệp muốn đưa lao động về nước để cách ly và tránh dịch. Các cơ quan chức năng đã tổ chức gần 2.000 chuyến bay và đưa hơn 120.000 người về nước.

Chi phí trả cho những chuyến bay này rất đắt nhưng nhiều người không ngần ngại chấp nhận để được về nước, được bảo đảm an toàn. Họ đâu ngờ rằng bản thân đã bị lợi dụng để trục lợi trắng trợn bởi những người đảm nhiệm chức trách, ngay trong tình cảnh ngặt nghèo ấy.

Tính đến nay, liên quan vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 25 người. Trong số đó có nhiều cán bộ đảm trách vị trí cao tại Bộ Ngoại giao, hàm thứ trưởng, cục trưởng; cán bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và nhiều giám đốc doanh nghiệp.

Bản danh sách thật sự gây sốc! Ngay trong thời điểm công dân hoảng sợ nhất, lo lắng nhất về sự sống - cái chết, các bị can đã đã lạnh lùng thiết lập đường dây và nhanh chóng tổ chức trục lợi. Tại cuộc họp báo vào giai đoạn đầu của vụ án, lãnh đạo Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an thông tin kết quả điều tra bước đầu chứng minh các bị can đã nhận hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD.

 

 



Danh sách trên sẽ không dừng lại ở bấy nhiêu người. Cuối tháng 10-2022, Cơ quan An ninh Điều tra có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có tiếp nhận các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước cung cấp thông tin, tài liệu... để phục vụ điều tra. Đây được xem là giai đoạn mở rộng của vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương.

Mục đích và ý nghĩa tốt đẹp của những chuyến bay giải cứu công dân là không thể nghi ngờ. Việc tổ chức các chuyến bay này đã thể hiện sự chăm lo chu đáo của Chính phủ với công dân Việt Nam ở nước ngoài, cũng thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Thời điểm đó, ít có quốc gia thực hiện các "chuyến bay giải cứu" tốt như Việt Nam. Ghi một dấu ấn ngoại giao điển hình về việc bảo hộ công dân, Việt Nam đã nhận được sự tôn trọng, tán thưởng của cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp đã bị không ít cán bộ biến chất cấu kết với người ngoài làm hoen ố. Bất chấp tất cả, họ biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền.

Quan điểm của Chính phủ đã rõ: Không vì tai tiếng của một chủ trương, hoạt động ngoại giao và bảo hộ công dân mà khoan nhượng với những kẻ biến chất. Quan điểm này cho thấy sự kiên quyết làm trong sạch bộ máy, không để những "con sâu" lọt lưới và tiếp tục làm "rầu nồi canh".

Ở góc nhìn rộng hơn, vụ án này và những vụ án hối lộ, tham nhũng khác đang được điều tra, khởi tố là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái, biến chất dù đang lẩn trốn ở đâu, đang ngồi chiếc ghế nào.

Theo Bài: Hồ Phi (NLĐO/đồ họa: Anh Thanh)

Có thể bạn quan tâm