Từ năm 2017 đến nay, rất nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã lên tiếng nhắc nhở việc triển khai thu phí không dừng đối với các dự án BOT giao thông trên toàn quốc, thế nhưng....
Thực hiện dự án thu phí không dừng (ETC), ngoài bảo đảm tính minh bạch trong thu chi đối với các dự án BOT, còn tiết kiệm mỗi năm số tiền rất lớn. Theo đánh giá của Viện Chiến lược GTVT, nếu triển khai đồng bộ trên cả nước, mỗi năm có thể tiết kiệm hơn 3.000 tỉ đồng. Chưa kể, với những cơ sở dữ liệu được lưu trữ, khi kết nối với nguồn dữ liệu quốc gia, có thể kiểm soát được rất nhiều dữ liệu liên quan tới phương tiện đang lưu thông như đăng ký xe, tình trạng kiểm định, xử lý phạt nguội vi phạm giao thông...
Lợi ích lớn như vậy, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng rất cụ thể nhưng hiện nay tổng số trạm cũng như số làn tại mỗi trạm phải thực hiện thu phí tự động không dừng vẫn chỉ là con số khiêm tốn?
Vậy gút mắc do đâu?
Về phía chủ đầu tư (CĐT), họ viện lý do đang bị áp đặt phải sử dụng dịch vụ độc quyền của nhà cung cấp do bộ đưa ra, mà không có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo nhu cầu và năng lực đáp ứng. Cho nên, thái độ là bất hợp tác.
Về phía nhà cung cấp dịch vụ thì đổ lỗi do thay đổi số trạm cũng như số làn xe, làm thay đổi phương án tài chính, dẫn đến ngân hàng không giải ngân nguồn vốn hoặc do phía bên CĐT có trạm thu phí không thiện chí hợp tác, chậm bàn giao.
Còn phía chủ phương tiện thì cho rằng mất thời gian đi lại gắn thiết bị, không linh động trong thanh toán, thiết bị chưa đồng bộ trên toàn quốc, rồi vấn đề nếu vô ý làm hư hỏng, mất mát thiết bị đầu cuối phải đền bù, tiền thế chân thiết bị là quá cao...
Nhưng xét cho cùng, vấn đề chủ yếu vẫn nằm ở phía CĐT các dự án BOT, đơn giản họ không muốn minh bạch mọi thu chi, vì chỉ có thông qua thu phí thủ công như hiện nay, mới có thể qua mặt được các nhà quản lý trong các báo cáo về doanh thu thực tế. Điều này đã được chứng minh trong các lần Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Vì nếu thực sự là cái mà họ cần, muốn triển khai, họ đã tạo mọi điều kiện để các nhà cung cấp dịch vụ triển khai từ lâu, cũng như nhờ sự can thiệp của Chính phủ, Bộ GTVT để đưa các thiết bị đầu cuối đến với các phương tiện một cách nhanh nhất. Nguyên nhân chính không nằm ngoài sự không muốn minh bạch, ngay từ khâu tiền lương nhân viên thu phí tới các khoản vé giả, vé quay đầu, khai khống thực thu, trốn thuế... như đã từng xảy ra ở một số trạm thu phí bị phanh phui trước đây.
Kèm theo đó là về phía các tài xế thuộc một số công ty tư nhân lẫn nước ngoài, lâu nay lợi dụng chính sách hoàn tiền vé cho tài xế, họ tự khai khống khoản này, bổ sung chứng từ bằng cách mua vé đã qua sử dụng. Dù biết là có lợi nhưng họ cũng lơ luôn, không phổ biến lại cho phía lãnh đạo công ty được biết để phối hợp thực hiện.
Hy vọng với chỉ đạo của Thủ tướng lần này, Bộ GTVT và các CĐT sẽ không còn chần chừ.
ĐOÀN QUANG HUY (NLĐO)