Tính đến nay, ghi nhận từ các tỉnh, thành ĐBSCL cho thấy, đã có khoảng 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt tập trung ở 7 tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Con số này ít hơn so với mùa khô hạn năm 2020 (với 95.600 hộ) và thấp hơn rất nhiều so với con số kỷ lục 210.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt xảy ra trong mùa hạn mặn lịch sử 2016.
Có thể thấy, từ năm 2016 đến 2020 và 2024, cứ mỗi chu kỳ 4 năm, lại xuất hiện đợt hạn hán, xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Rõ ràng hạn mặn đang ngày càng khó lường và rất có thể trong tương lai, biên độ các tác động tiêu cực của hạn mặn sẽ còn gia tăng.
Trong bối cảnh đó, giải pháp cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL chính là quy hoạch tích hợp vùng, trong đó chỉ rõ từng tiểu vùng sinh thái gắn với định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, nếu như chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn cần một tiến trình dài hơi thì việc giải quyết thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn là bức thiết và không cho phép sự chần chừ.
Cho dù đến nay, để giải quyết nhu cầu nước ngọt bức bách cho người dân các địa phương miền Tây đã có nhiều giải pháp tăng cường cấp nước, tình hình hạn mặn cũng đã bớt căng thẳng, nhưng một thực tế cần phải nhìn nhận là sự lặp lại của chu kỳ hạn mặn bất thường (3 lần trong 8 năm qua) đáng ra phải là thời gian để các địa phương có sự chủ động hơn. Để người dân không phải chịu cảnh lũ lượt xếp hàng cả đêm hứng từng can nước ngọt.
Hiện tại, nhiều giải pháp, cách làm nhằm giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn ĐBSCL cũng đã được đưa ra. Từ giải pháp truyền thống như chứa nước mưa ở gia đình, ao, mương, đến các công nghệ hiện đại như màng lọc nano, công nghệ bốc hơi nước, lọc nước biển... Song, cơ bản và dễ thực hiện nhất vẫn là chủ động trữ nước, để dành. Trữ nước trong lu, vại, bể, bồn, thậm chí là hầm chứa nước không quá xa lạ với người dân miền Tây. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu, dễ làm nhất khi mà hệ thống cấp nước tập trung chưa thực sự hoàn thiện, chưa phủ kín được nhiều vùng nông thôn.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước cho miền Tây, Thủ tướng cũng đã phê duyệt quy hoạch nước ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98 - 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước đô thị đạt 35%.
Để đạt được mục tiêu đó chắc chắn đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, nhưng không có sự lựa chọn khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, cùng với đó là tác động của phát triển thượng nguồn làm suy giảm nguồn nước Mê Kông bổ sung cho đồng bằng. Hơn hết, với quan điểm phát triển lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nước ngọt cần được coi trọng, bảo vệ và phát triển bền vững để ưu tiên cho người dân. Và chuyện giúp người dân thích ứng với hạn mặn, giải quyết chuyện thiếu nước cần phải chủ động hơn chứ không thể là điều bất ngờ, là nỗi ám ảnh mỗi khi mùa khô về.