Tin tức

Phản ứng của Iran trước việc Mỹ, Canada cùng một số nước áp đặt lệnh trừng phạt mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

( GLO)- Sau các cuộc bạo loạn gần đây ở Iran, Mỹ và Canada đã liên tục áp đặt trừng phạt đối với cá nhân và tổ chức Iran, đưa ra những tuyên bố manh tính can thiệp. EU và Anh cũng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt Iran.

Phản ứng của Iran trước việc Mỹ, Canada cùng một số nước áp đặt lệnh trừng phạt mới ảnh 1
 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kan'ani. Ảnh: AP

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Iran đã có những hành động đáp trả trong hai tuần qua. Ngày 26/10, Bộ Ngoại giao Iran thông báo mở rộng danh sách trừng phạt đối với EU, theo đó bổ sung 8 thực thể và 12 cá nhân vào danh sách này. Đáng chú ý, trong danh sách mới nêu trên của Iran có các thành viên của Nghị viện châu Âu, Quốc hội Pháp, Tổng biên tập tờ Bild (Đức) và người đứng đầu tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại EU.

Liên quan, ngày 27/10, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Ali Bagheri đã triệu Đại sứ Đức Hans-Udo Muzel tới để phản đối “lập trường can thiệp của Ngoại trưởng Đức” Annalena Baerbock vào nội bộ ở Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kan'ani vào ngày 29/10 sau đó khẳng định: “Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức Mỹ và Canada vì những biện pháp hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và các nhóm khủng bố, cũng như thúc đẩy và kích động khủng bố, bạo lực và thù hận, vốn đã dẫn đến nhiều cuộc bạo động, các hành động khủng bố và vi phạm các quyền của Iran”.

Và với đợt trừng phạt mới- thứ 4, ngày 31/10, Ottawa nhắm vào 4 cá nhân và 2 thực thể, trong đó có cơ quan thực thi pháp luật Iran với cáo buộc đàn áp những người biểu tình. Đây là vòng trừng phạt của Canada liên quan đến vi phạm nhân quyền của Iran.

Theo TTXVN tại Ottawa- Canada, ngoại trưởng nước này- bà Melanie Joly, cho rằng "Canada sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Iran khi họ dũng cảm yêu cầu một tương lai tốt đẹp hơn". Bà Joly cũng cáo buộc chế độ Iran sử dụng Đại học Al-Mustafa (có chi nhánh ở một số quốc gia) để truyền bá tư tưởng  ra nước ngoài và tuyển mộ các chiến binh nước ngoài.

Động thái trên của Canada, Mỹ cũng như phương Tây đối với Iran thể hiện sự phản ứng và áp đặt chính sách cứng rắn lên nước này. Nhất là khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Iran cung cấp thiết bị không người lái cho Nga trong cuộc xung đột Nga-Ucraine, và gần đây là cáo buộc Iran đàn áp người biểu tình.

Theo giới phân tích, những áp đặt trên của Mỹ, phương Tây, trong đó có Canada chỉ càng làm Iran nghiêng về phía Nga, các nước có lập trường trung lập trong cuộc xung đột Nga- Ucaraine, nhất là các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh. Iran thời gian qua đã công khai bày tỏ ủng hộ Nga, xuất khẩu 40 tua-bin khí do nước này sản xuất sang Moscow. 

Cả Nga và Iran đều công khai thể hiện mong muốn xây dựng một thế giới đa cực mà ở đó phương Tây không có nhiều ảnh hưởng. Trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc, khả năng Iran sẽ gia tăng sự ủng hộ đối với Moscow với hy vọng Nga có thể sử dụng quyền phủ quyết của nước này với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn chặn Mỹ và châu Âu áp đặt thêm bất cứ biện pháp trừng phạt nào đối với mình.

TS ( theo TTXVN, VOV.vn, baoquocte.vn )

 

Có thể bạn quan tâm