Tin tức

Pháo hoa - "Những ngôi sao rơi từ thiên đường" đón mừng năm mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Pháo hoa được phát minh ra ở Trung Quốc cổ đại từng được công chúng Châu Âu thuở xa xưa ví như những ngôi sao rơi từ thiên đường.

Pháo hoa đêm giao thừa trên sông Chao Phraya ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP
Pháo hoa đêm giao thừa trên sông Chao Phraya ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP


"Những bông hoa Trung Quốc"

Chi tiết về nguồn gốc thực sự của pháo hoa đã thất truyền nhưng có nhận định rằng, thuốc súng - một phát minh khác của Trung Quốc - khi phóng vào cây tre có thể là lần đầu tiên hiệu ứng rực rỡ này được tạo ra.

Lịch sử của pháo hoa về bản chất gắn liền với việc phát minh ra thuốc súng vào thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên ở Trung Quốc.

 

Hình minh họa màn bắn pháo hoa trong ấn bản năm 1628-1643 của cuốn sách triều Minh ở Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình
Hình minh họa màn bắn pháo hoa trong ấn bản năm 1628-1643 của cuốn sách triều Minh ở Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình


Pháo hoa, một sản phẩm phụ của thuốc súng, gắn liền với các lễ hội ở triều đại nhà Tống (960-1279). Những nghệ nhân pháo hoa nổi tiếng và được tôn vinh như những bậc thầy có khả năng dùng những kỹ thuật phức tạp và nguy hiểm để tạo ra những màn hình cực kỳ ấn tượng phục vụ hoàng đế và bá quan trong triều.

Ở thời nhà Tống, người dân bình thường cũng được tiếp cận với các loại pháo hoa cơ bản ở chợ. Pháo nổ cũng được sử dụng như một hình thức giải trí phổ biến.

Người Syria đầu tiên viết về pháo hoa của Trung Quốc đã mô tả chúng là "những bông hoa Trung Quốc" do cách chúng bung ra và phát nổ trên không trung. Marco Polo, nhà thám hiểm nổi tiếng người Italia, cũng thích thú với pháo nổ và pháo hoa mà ông quan sát được trong chuyến du hành tới Trung Quốc.

Pháo hoa thuở ban đầu

Trong một thời gian dài, những màn bắn pháo hoa là đặc quyền của hoàng gia và giới thượng lưu, cả ở Châu Âu và Trung Quốc bởi tốn kém, phức tạp và khó, đòi hỏi số tiền khổng lồ và kiến thức chuyên môn.


 

 Pháo hoa trên sông Thames năm 1749. Ảnh chụp màn hình.
Pháo hoa trên sông Thames năm 1749. Ảnh chụp màn hình.


Có những ghi chép cho thấy những màn bắn pháo hoa lớn tại Versailles, tại lễ đăng quang của các hoàng gia Châu Âu khác nhau và là một phần của các lễ hội tôn giáo quy mô lớn hoặc mừng thắng lợi quân sự.

Vào thế kỷ 15, các thành phố của Italia và Tây Ban Nha bắt đầu sử dụng pháo hoa cho các lễ kỷ niệm ngoài trời. Nhà luyện kim người Italia Vannocio Biringuccio mô tả các lễ hội ở Florence và Siena có pháo hoa trên đường phố hoặc quảng trường...

Nhưng pháo hoa lớn nhất của Châu Âu thời kỳ đầu chắc chắn là Girandola trong lễ bầu chọn Giáo hoàng mới tại Castel Sant’Angelo ở Rome. Lâu đài hùng vĩ bên bờ sông Tiber ban đầu được hoàng đế Hadrian xây dựng làm lăng cho gia đình sau đó được chuyển đổi thành một pháo đài và sau đó là nơi ở của Giáo hoàng.


 

 Pháo hoa ở Castel Sant'Angelo tại Rome năm 1775. Nguồn ảnh: Jacob Hackert
Pháo hoa ở Castel Sant'Angelo tại Rome năm 1775. Nguồn ảnh: Jacob Hackert


Pháo hoa được bắn ra từ tòa nhà từ cuối thế kỷ 15 và những màn trình diễn ánh sáng rực rỡ ở đây vẫn tiếp tục cho tới ngày nay. Trong màn trình diễn đầu tiên, theo hiệu lệnh súng, các nghệ nhân bắn pháo hoa lên, những quả cầu lửa xuất hiện “giống như những ngôi sao, cuối cùng cũng nổ tung” để tạo thành những vệt dài ánh sáng. Pháo hoa khi đó tạo ra tiếng nổ lớn kèm khói lửa khiến khán giả so sánh với thiên đường rơi xuống Trái đất.

Đến thế kỷ 16, lễ hội bắn pháo hoa tương tự lễ hội Girandola đã lan sang Bắc Âu với phong cách ngày càng đa dạng và phong phú. Hầu hết các loại pháo hoa trong thời kỳ này đều là những màn trình diễn của triều đình, được tổ chức để chúc mừng các hoàng tử và thành tựu của họ. Pháo hoa thời kỳ này liên quan tới những khung cảnh công phu, những lâu đài nhân tạo, hình tượng quái vật...

Các hoàng tử Đức từng tổ chức những trận đánh giả và kịch câm pháo hoa về cuộc tranh tài giữa những con rồng khổng lồ và cá voi phun lửa. Các vị vua Pháp ngắm pháo hoa chiêm tinh hình cung sư tử và pháo hoa hình mặt trời, các vì sao. Vào thời kỳ đó, pháo hoa gây sợ hãi nhưng cũng là một trải nghiệm hiếm có, mới lạ đối với nhiều người bình thường.

Sức hấp dẫn vĩnh cửu

Pháo hoa thuở ban đầu khá khác so với pháo hoa ngày nay. Ban đầu, hóa chất và chất tạo màu được thêm vào thuốc súng để tạo ra các sắc độ khói khác nhau để sử dụng làm tín hiệu quân sự: arsenical sunfua cho màu vàng, đồng axetat (verdigris) cho màu xanh lá cây, chì cacbonat cho màu trắng sữa và clorua thủy ngân (calomel) cho màu trắng.

Tuy nhiên, người Châu Âu gặp khó khăn phần nào với pháo hoa màu, và những màn trình diễn của Trung Quốc tiếp tục gây ấn tượng với du khách và thương gia Châu Âu trong chuyến thăm Trung Quốc. Gần một thiên niên kỷ sau khi pháo hoa được phát triển lần đầu, khoảng năm 1830, các nhà hóa học người Italia cuối cùng cũng tìm ra cách để tạo ra những màu sắc tươi sáng.


 

Sức hấp dẫn của pháo hoa chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều thế kỷ tới. Ảnh: AFP
Sức hấp dẫn của pháo hoa chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều thế kỷ tới. Ảnh: AFP



Vào những năm 1830, loại pháo hoa hiện đại đầu tiên được sản xuất. Chúng trở nên rẻ hơn để sản xuất, có giá cả phải chăng đến mức pháo hoa có sẵn trong các cửa hàng bình thường trên toàn thế giới. Pháo hoa tiếp tục được sử dụng để đánh dấu các sự kiện quan trọng, bao gồm lễ kỷ niệm quốc khánh, đón năm mới...

Các quy định xung quanh việc sử dụng pháo hoa chỉ thực sự có hiệu lực vào đầu thế kỷ 20, sau nhiều vụ việc người dân tự gây thương tích cho bản thân, cho người khác cũng như gây ô nhiễm tiếng ồn. Ngày nay, việc bán và sử dụng pháo hoa được quy định ở một mức độ nhất định.

The Conversation nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm, những thứ cơ bản xoay quanh pháo hoa vẫn là nguồn kinh ngạc không ngừng với khán giả. Pháo hoa được phát triển theo những cách thức sáng tạo chắc chắn sẽ tiếp tục gây kinh ngạc cho chúng ta trong nhiều thế kỷ tới.

https://laodong.vn/the-gioi/phao-hoa-nhung-ngoi-sao-roi-tu-thien-duong-don-mung-nam-moi-996994.ldo
 

Theo THANH HÀ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm