Tin tức

Pháp có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 28/6, bà Yaël Braun-Pivet, Bộ trưởng Bộ các vùng lãnh thổ hải ngoại, đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, trở thành phụ nữ tiên giữ vị trí quan trọng này trong lịch sử lập pháp của Pháp. Còn Thủ tướng Élisabeth Borne phải gấp rút tìm thỏa hiệp với các đảng đối lập để có đa số tại Quốc hội.

Bà Yaël Braun-Pivet trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Pháp vào ngày 28/6/2022. (Ảnh: BFMTV)
Bà Yaël Braun-Pivet trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Pháp vào ngày 28/6/2022. (Ảnh: BFMTV)


Tham gia tranh chức Chủ tịch Quốc hội (Hạ viện) khóa XVI có 5 ứng cử viên đại diện của đảng cầm quyền Phục hưng (trước là Nền Cộng hòa tiến bước - LaREM), đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN), đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) và đảng cánh hữu DVD.

Trong cả hai lần bỏ phiếu tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới, bà Yaël Braun-Pivet, đại diện của đảng cầm quyền, đều giành được số phiếu cao nhất, 238 trong vòng 1 và 242 ở vòng 2.

Từng là thành viên đảng Xã hội sau đó gia nhập đảng Nền Cộng hòa tiến bước, bà Yaël Braun-Pivet đã tái đắc cử trong kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua. Một tháng trước, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ các vùng lãnh thổ hải ngoại trong chính phủ của Thủ tướng Élisabeth Borne, vào ngày 16/5 cũng được Tổng thống bổ nhiệm là nữ Thủ tướng đầu tiên của Pháp kể từ năm 1992.

Phát biểu trước Quốc hội sau khi có kết quả bỏ phiếu, bà Yaël Braun-Pivet cho rằng cử tri Pháp đã giao trọng trách cho các nghị sĩ làm việc cùng nhau, tranh luận thay vì chống đối và cãi vã triền miên. Trong thời gian quan, bất đồng và tranh cãi kịch liệt luôn xảy ra trong các phiên họp thảo luận về các dự luật, nhất là cải cách hưu trí. Vì vậy, theo bà, các nghị sĩ thuộc các phe phái chính trị khác nhau nên chon con đường đối thoại. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận, thỏa hiệp và tinh thần tập thể.

Kết quả này không bất ngờ vì liên minh cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đã giành được 245 phiếu trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua, dù chưa đủ đa số tuyệt đối 289/577 ghế).

Trong khi đó, Thủ tướng Élisabeth Borne phải chạy đua nước rút từ ngày 27 đến 29/6 để thuyết phục các đối tác chính trị thành lập chính phủ liên minh. Dự kiến, bà sẽ phải đệ trình lên Tổng thống Emmanuel Macron một chương trình hành động của chính phủ trong đó có đề xuất thành phần nội các mới vào ngày 30/6.

Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố không muốn lãnh đạo đất nước cùng với hai đảng cực tả và cực hữu là Nước Pháp Bất khuất (LFI) của ông Jean-Luc Mélenchon và Tập hợp Dân tộc (RN) của bà Marine Le Pen. Còn đối với cánh hữu, đảng Những người Cộng hòa (LR) tuyên bố chưa sẵn sằng là "điểm tựa" cho đảng Phục hưng của ông Emmanuel Macron. Đảng Xanh cũng chưa nhất trí trong nội bộ về việc tham gia mở rộng đa số với liên minh cầm quyền.

Một số đảng cánh tả tham gia liên minh với đảng LFI trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua đã phản đối đề xuất của ông Jean-Luc Mélenchon về việc thành lập một nhóm duy nhất tại Quốc hội. Một số nhân vật chủ chốt của phe cánh hữu cho rằng bây giờ không phải là lúc để những "chia rẽ chính trị" làm "tê liệt" nước Pháp. Còn Bí thư toàn quốc của Đảng Cộng sản Pháp, ông Fabien Roussel, tuyên bố sẽ ủng hộ chính phủ trong mọi quyết định nhằm tăng sức mua cho người dân.

Đây là những cơ sở để Thủ tướng Élisabeth Borne có thể thuyết phục, thương lượng và thậm chí là mặc cả với chủ tịch các nhóm nghị sĩ đối lập tại Quốc hội để có đa số, tạo điều kiện cho việc xem xét và thông qua các dự án cải cách lớn.

Thủ tướng Élisabeth Borne cũng phải đối mặt với một thách thức khác, đó là cải thiện được sức mua, mối quan tâm hàng đầu của người dân Pháp hiện nay trong bối cảnh lạm phát tăng vọt cùng với khủng hoảng năng lượng.

Nếu không có được đa số tại Quốc hội, các dự án cải cách của Tổng thống rất có thể sẽ bị đóng băng. Còn khả năng giải tán Quốc hội chỉ có thể được tiến hành sau một năm nữa để tổ chức một cuộc bầu cử mới nhằm thay đổi cán cân tại Quốc hội.

Theo KHẢI HOÀN  (NDĐT)

 

Có thể bạn quan tâm