Tổng thống Pháp yêu cầu phải tiến hành một cuộc điều tra quốc tế khẩn cấp để tìm ra sự thật vụ máy bay của Malaysia bị rơi.
Trong một thông cáo đưa ra ngày 18-7, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius tuyên bố Pháp sẵn sàng đóng góp vào việc điều tra về thảm họa máy bay MH17 bị bắn rơi.
Tổng thống Pháp Francois Hollande yêu cầu phải tiến hành một cuộc điều tra quốc tế khẩn cấp để tìm ra sự thật vụ máy bay của Malaysia bị rơi và theo ông, không quan trọng nạn nhân là quốc tịch nước nào, đơn giản họ là những nạn nhân của một thảm kịch cần làm sáng tỏ.
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh sau thảm họa đối với máy bay của Malaysia với 298 người bị rơi tại miền Đông Ukraine, cần làm sáng tỏ nguyên nhân gây ra thảm họa.
Một phần thân của chiếc máy bay nằm bên vệ đường |
Bộ trưởng Fabius cho biết, Văn phòng điều tra và nghiên cứu về an toàn hàng không dân dụng của Pháp, phối hợp với các cơ quan của châu Âu, đã cử 2 chuyên gia sẵn sàng tham gia vào một điều tra quốc tế về vụ việc này.
Văn phòng điều tra của Pháp cũng sẽ dành các thiết bị kỹ thuật và phòng nghiên cứu cần thiết cho cuộc điều tra, đặc biệt là việc đọc các dữ liệu trong hộp đen của chiếc máy bay.
Trước đó, phát biểu tại Niger, Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo theo các thông tin mới nhất, Pháp không có công dân nào của Pháp có mặt trên chiếc máy bay bị nạn. Tuy nhiên, theo Tổng thống Pháp, không cần xét nhiều đến quốc tịch của các nạn nhân, đơn giản đó là một nạn nhân của một thảm kịch đối với thế giới cần được làm sáng tỏ.
Cũng trong ngày 18-7, tại một cuộc họp báo ở Amsterdam, Hà Lan, Phó Chủ tịch Văn phòng châu Âu của Hàng không Malaysia đã khẳng định chiếc máy bay đã được bảo dưỡng định kỳ đúng lịch, và lần bảo dưỡng kỹ thuật gần nhất là ngày 11-7.
Báo Pháp đưa tin nhóm chuyên gia quốc tế phụ trách việc điều tra vụ việc hôm nay (19-7), đã có mặt tại thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, nhiều tờ báo nhận định các cuộc điều tra sẽ khó khăn và kéo dài.
Người ta lo ngại một số yếu tố có thể giúp ích cho cuộc điều tra rất có khả năng đã biến mất. Hà Lan, quốc gia có đến 189 công dân trong số 298 người trên máy bay, đã gửi một nhóm điều tra của Văn phòng An toàn hàng không dân dụng tới Ukraine.
Đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Frans Timmermans dẫn đầu đoàn điều tra. Được biết, nhóm điều tra của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), sau đối thoại với nhóm nổi dậy ở Ukraine, đã có thể tiếp cận khu vực máy bay bị rơi, nhưng rất “hạn chế”.
Trong khi đó, công tác thu thập xác các nạn nhân vẫn đang tiếp tục được tiến hành gấp rút, nhưng có nguy cơ bị chậm lại do tại Donetsk không có đủ phòng lạnh để chứa các mảnh thi thể của những người xấu số. Hãng tin AFP đưa tin đã tìm thấy một hộp đen, nhưng có nguy cơ các hộp đen cũng khó có thể giúp xác định chính xác nơi tên lửa xuất phát.
Phía Ukraine cho biết các thành viên “nhóm tiếp xúc” gồm có Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu đã đi đến một thỏa thuận với các phần tử ly khai về việc xác lập một vùng an toàn 20 km xung quanh vị trí máy bay rơi.
Hôm nay (19-7), Chính phủ Ukraine cáo buộc các phần tử ly khai ở miền Đông nước này đang “tìm cách phá hủy, với sự hậu thuẫn của Nga, những bằng chứng của tội ác quốc tế này”.
Theo VOV