Tin tức

Phát hiện 2 cá thể tê giác Java quý hiếm tại Indonesia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tê giác cái Helen và tê giác đực Luther đã được nhìn thấy đi cùng mẹ của chúng trong các hình ảnh ghi được từ gần 100 máy quay lắp đặt ở công viên quốc gia Ujung Kulon.

Hai cá thể tê giác được máy quay ghi lại. (Nguồn: tempo.co)
Hai cá thể tê giác được máy quay ghi lại. (Nguồn: tempo.co)



Nhà chức trách Indonesia cho biết đã phát hiện hai cá thể tê giác Java quý hiếm tại một công viên quốc gia ở tỉnh Banten, làm dấy lên hy vọng về tương lai của một trong những loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới này.

Trong thông báo ngày 20/9, nhà chức trách Indonesia cho biết hai cá thể tê giác, trong đó tê giác cái được đặt tên là Helen và tê giác đực là Luther, đã được nhìn thấy đi cùng mẹ của chúng trong các hình ảnh ghi được từ gần 100 máy quay lắp đặt ở công viên quốc gia Ujung Kulon trong giai đoạn từ tháng 3-8 vừa qua. Như vậy, hiện tại có tổng cộng 74 cá thể tê giác Java.

Theo ông Wiratno, một quan chức cấp cao tại Bộ Môi trường Indonesia, những tê giác Java mới sinh này mang lại hy vọng về tương lai của loài tê giác đang bị đe dọa nghiêm trọng này.

Nằm ở cực Tây đảo Java, công viên quốc gia Ujung Kulon là địa điểm cuối cùng trên thế giới còn tê giác Java sinh sống. Khu bảo tồn này có một cánh rừng nhiệt đới rộng 5.100ha và nhiều suối nước ngọt.

Chính phủ Indonesia đã khảo sát các khu vực khác trên khắp đảo Java và đảo Sumatra, nhằm tìm cách đưa tê giác Java khỏi vùng nguy hiểm của núi lửa Krakatau đang hoạt động nằm cách vườn quốc gia Ujung Kulon không xa.

Tê giác Java, còn gọi là tê giác Sunda, là loài tê giác một sừng từng có số lượng lên đến hàng nghìn con trên khắp Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, loài này đã bị suy giảm số lượng nghiêm trọng do nạn săn bắn trộm và bị thu hẹp môi trường sống do các hoạt động của con người.

Theo Phan An (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm