“Phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh công ơn của các Anh hùng liệt sĩ…!”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hoà thượng Thích Từ Hương. Ảnh: Thanh Nhật
Hoà thượng Thích Từ Hương. Ảnh: T.Nhật
Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Gia Lai đang triển khai các công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ vào dịp kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7).
Nhân dịp này, Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với Hoà thượng Thích Từ Hương- Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai, Trưởng Ban tổ chức Lễ cầu siêu, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Xin Hoà thượng giới thiệu khái quát về Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ sắp được tổ chức tại tỉnh ta?
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và nhân kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7), UBND tỉnh vừa có Công văn số 1895/UBND- VX đồng ý cho Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh chủ trì tổ chức Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Bên cạnh đó, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã có Công văn số 215/CV.HĐTS thống nhất cho Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai tổ chức Đại lễ cầu siêu, để ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Campuchia, đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ- tỉnh Gia Lai.
Đại lễ chính thức được tổ chức vào ngày 27-7. Đây là một Đại Lễ cầu siêu lần đầu tiên diễn ra với quy mô lớn. Ngoài sự tham dự của chính quyền địa phương, các vị tăng ni và bà con phật tử tỉnh nhà, về dự Đại lễ này còn có một số vị chức sắc của Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam…
Đại lễ cầu siêu cũng là một trong những hoạt động nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sĩ và hướng về Đại lễ Vu lan Phật lịch 2554, cũng như Đại lễ Phật giáo chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (1010- 2010). Đây còn là hoạt động văn hoá thể hiện truyền thống lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Do vậy các hoạt động trong tổng thể chương trình Đại lễ, ngoài phần nghi lễ chính về cầu siêu hương linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong chiến tranh, còn có phần lễ thắp nến tri ân các liệt sĩ, nghi lễ cầu nguyện hoà bình, quốc thái và dân sinh an lạc, hoạt động từ thiện, cùng phần thuyết giảng về công ơn của các liệt sĩ đã hy sinh vì nền hoà bình, độc lập tự do cho đất nước hôm nay- một trong những nội dung báo hiếu tứ ân của đạo Phật, mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc, qua đó động viên toàn thể phật tử phấn đấu làm tròn nghĩa vụ của người công dân với Tổ quốc.
Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo rất cảm kích việc tổ chức Lễ cầu siêu đã được sự quan tâm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh, sự tạo điều kiện về mọi mặt của chính quyền địa phương, cũng như tinh thần tích cực của bà con phật tử và các đơn vị doanh nghiệp đã giúp đỡ về kinh phí để Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tổ chức các hoạt động trong chương trình Đại lễ này. 
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Nhân dịp này, thay mặt Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai, Hoà thượng có điều gì nhắn nhủ với toàn thể tăng ni và phật tử?
Suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ cha anh và các liệt sĩ đã hy sinh xương máu để mang lại nền độc lập tự do cho đất nước và dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa hôm nay. Trong đó, đồng bào Phật Giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết yêu nước, đồng hành cùng dân tộc và đất nước… Nhân Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ và dịp kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sĩ, tiến tới Đại lễ Vu lan Phật lịch 2554, thay mặt Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai, tôi xin gửi đến các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Uỷ ban MTTQ, cùng các cơ quan, ban ngành lời tri ân chân thành của tăng ni và phật tử.
Đồng thời, Ban Trị sự mong rằng toàn thể tăng ni và phật tử luôn phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ của Đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày, tích cực sống “Tốt đời- Đẹp đạo”, sinh hoạt tôn giáo theo đúng đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội” mà Hiến chương của Giáo hội đã đề ra, thực hiện phong trào học tập và rèn luyện đạo đức Phật giáo theo tiêu chí “Cuộc sống chơn thiện- Dấn thân phục vụ- Xây dựng xã hội tốt đẹp trong thời kỳ hội nhập và phát triển” do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam vừa phát động, góp phần xây dựng quê hương và Giáo hội ngày càng vững mạnh.
Kính chúc toàn thể quý vị sức khoẻ và thân tâm thường an lạc!
Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm