Thời sự - Bình luận

Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gần đây về triển khai nhiệm vụ điều hành, thúc đẩy chính sách tiền tệ năm 2024 đều nhấn mạnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong đó, ngành ngân hàng được yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai các gói hỗ trợ, chương trình ưu đãi tín dụng với mục tiêu ưu tiên hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống khoảng 1,5% - cải thiện hơn nhiều so với 2 tháng đầu năm nhưng vẫn chưa bằng cùng kỳ năm ngoái. Tại TP HCM, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng cải thiện hơn so với giai đoạn đầu năm.

Ngành ngân hàng đang tích cực triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ… Nhiều ngân hàng còn có các gói tín dụng ưu đãi riêng, tùy theo nguồn vốn và khả năng tài chính.

Có ý kiến cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay đang rất thấp, có thể không cần các gói ưu đãi, hỗ trợ. Song, nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng để DN hoạt động, sản xuất - kinh doanh. Việc tiếp cận được vốn với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường sẽ càng giúp DN giảm chi phí tài chính.

Với DN khỏe mạnh, có tài chính tốt, vay được vốn lãi suất thấp sẽ càng được tiếp thêm sức mạnh để phát triển nhanh hơn. Với DN đang gặp khó khăn, nguồn vốn ưu đãi sẽ giúp giảm bớt áp lực lãi vay, từ đó có điều kiện nhanh chóng phục hồi. Ý nghĩa lớn nhất của các gói ưu đãi này là hỗ trợ DN và người dân giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ hoặc tăng hạn mức tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn.

Bài toán ở đây là làm sao để các gói tín dụng này phát huy hiệu quả, tới được tay DN và lan tỏa ra nền kinh tế? Trước hết, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để DN và người dân nắm bắt rõ, tiếp cận thuận lợi nhất. Cần hỗ trợ đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm để các gói tín dụng phát huy tối đa hiệu quả…

Tại TP HCM, thời gian qua, các gói hỗ trợ cho lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, DN vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ… đều phát huy hiệu quả. Riêng gói tín dụng ưu đãi cho lâm sản, thủy sản từ quy mô 15.000 tỉ đồng năm 2023 đã giải ngân 100%, giờ tăng lên 30.000 tỉ đồng và đang được triển khai, cho thấy sự phù hợp thực tế, tạo hiệu ứng lan tỏa.

Ngoài ra, để triển khai các gói tín dụng ưu đãi hiệu quả, có thể gắn việc giải ngân vào chương trình kết nối ngân hàng với DN và yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc. Chương trình kết nối ngân hàng với DN đã được 17 ngân hàng trên địa bàn TP HCM đăng ký, đến hết quý I/2024 đã giải ngân gói tín dụng hỗ trợ khoảng 174.000 tỉ đồng, chiếm 34% tổng quy mô gói, cho hơn 42.000 khách hàng.

Năm nay, chương trình kết nối ngân hàng với DN trên địa bàn TP HCM đã được điều chỉnh, thay đổi cách thức tổ chức thực hiện để phù hợp tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những chính sách ưu đãi, gói tín dụng hỗ trợ vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay; cần được triển khai hiệu quả để đồng hành cùng DN, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Theo THÁI PHƯƠNG ghi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm