Canada vướng vào thế kẹt trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong vụ “công chúa Huawei” và chỉ có một câu trả lời: chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau sẽ để giám đốc tài chính Huawei quay trở lại Bắc Kinh.
Trang Bloomberg bình luận rằng điều này nghe có vẻ như một cảnh báo từ chính phủ Trung Quốc. Ngày 23-6, một nhóm 19 nhân vật có sức ảnh hưởng, bao gồm các cựu bộ trưởng và nhà cựu ngoại giao, đã gửi bức thư cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Họ kêu gọi chính phủ tạm dừng các phiên tòa xét xử nhằm dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Theo bức thư, điều này sẽ giúp mở ra khả năng Bắc Kinh trả tự do cho hai công dân Canada đang bị giam giữ ở Trung Quốc. Hai công dân Canada bị truy tố tội gián điệp và bị giam cầm trong hơn 18 tháng. Đáp lại, Thủ tướng Trudeau ngày 25-6 bác bỏ lời kêu gọi, khẳng định một động thái như vậy sẽ tạo ra tiền lệ xấu và gây tổn hại cho Canada.
Ông Trudeau nói: "Chúng tôi lấy làm tiếc về những gì Trung Quốc đã làm... và sẽ tiếp tục kiên định, mạnh mẽ. Chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được việc Bắc Kinh nghĩ rằng họ có thể làm những gì họ muốn bằng cách bắt giữ công dân Canada".
Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà riêng ở thành phố Vancouver để tham dự phiên tòa ngày 27-5. Ảnh: Reuters |
Trang Bloomberg cho biết trong 18 tháng, Trung Quốc đã từ chối bất kỳ mối liên hệ giữa vụ việc của giám đốc điều hành Huawei và 2 công dân Canada. Thế nhưng, một ngày sau bức thư của nhóm 19 nhân vật có sức ảnh hưởng nói trên, Bắc Kinh bỗng dưng liên kết 2 vụ đó lại với nhau. Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng phản ứng của Bắc Kinh cũng dễ dự đoán.
Stephanie Carvin - Phó Giáo sư Trường Norman Paterson thuộc Đại học Carleton ở Ottawa của Canada - bình luận: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu những người ký tên trong bức thư đó không hiểu rằng họ sẽ bị sử dụng như một công cụ của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Họ không phải là loại người bước vào đây với đôi mắt nhắm nghiền".
Ngay sau khi hai công dân Canada bị bắt, cựu phó thủ tướng John Manley nói rằng chính phủ ông Trudeau lẽ ra nên tìm ra một cách để trả tự do cho Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei. Trong khi đó, những nhân vật hàng đầu trong đảng Bảo thủ đối lập giục Thủ tướng Trudeau áp dụng chế tài và hủy bỏ đầu tư với Trung Quốc.
Một loạt các cuộc thăm dò gần đây cho thấy dư luận ở Canada đang chuyển sang thế đối nghịch với Trung Quốc. Chính sách cũng đang thay đổi. Tuần trước, Canada là quốc gia đầu tiên thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ và xuất khẩu vật tư quân sự cho Hồng Kông, sau khi Trung Quốc áp luật an ninh mới.
Canada vướng vào thế kẹt trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong vụ "công chúa Huawei". Ảnh: Politico |
Đánh giá an ninh quốc gia mới nhất của Canada cảnh báo rằng quốc gia này là một "mục tiêu hấp dẫn" trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải thiện lợi ích của họ bằng cách sử dụng tiền và cái gọi là "kẻ gây rối phương Tây". Cũng theo bản đánh giá, không giống như các đồng minh Úc, New Zealand và Mỹ, Canada phần lớn không giải quyết được thế khó với Trung Quốc.
Tuần này, Bắc Kinh cho biết họ có thể "có những hành động tiếp theo" để đáp lại sự thay đổi của ông Trudeau liên quan đến Hồng Kông. Thông báo này được đưa ra trong tình cảnh Thủ tướng Trudeau cân nhắc về việc có nên cấm Huawei tham gia vào các dự án xây dựng mạng 5G của quốc gia hay không, bất chấp sức ép từ Mỹ. Trước đó, Huawei từng đóng vai trò rất lớn trong hệ thống mạng không dây của Canada, nhưng giờ đây họ đang phải đối mặt với các lo ngại về an ninh quốc gia từ những nước phương Tây.
Theo H.Bình (NLĐO/Bloomberg)