Thông điệp mạnh mẽ đã được đưa ra tại Hội nghị hoàn thiện quy hoạch điện VIII vừa qua: Đến năm 2045, cả nước chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, bảo đảm các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Tiến trình để đi đến kết quả trên đã trải qua rất nhiều cam go giữa bối cảnh chúng ta phát triển kinh tế nhanh chóng, nhu cầu về năng lượng tăng đột biến, trong khi công nghệ phát triển các ngành năng lượng hiện đại, thân thiện với môi trường chưa thay thế hết nền công nghiệp cũ là điện than, khí tự nhiên.
Phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng dựa trên tài nguyên sẵn có hoặc nguyên liệu hóa thạch, đã đến lúc cần phải chấm dứt. Tài nguyên không bao giờ là vô hạn, nó dần cạn kiệt và đến một lúc sẽ trở thành nguy hiểm cho nền kinh tế nếu quốc gia không còn dự trữ.
Phải thừa nhận chúng ta được thiên nhiên ưu đãi vì có trữ lượng than khổng lồ. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trữ lượng than đá của Việt Nam khoảng 5 tỉ tấn, đứng đầu Đông Nam Á. Với gần cả thế kỷ phát triển ngành công nghiệp khai thác bán thô, nguồn tài nguyên này đang cạn kiệt. Để phục vụ các ngành công nghiệp, đặc biệt là nhiệt điện, chúng ta đang trả giá khi phải nhập khẩu than giá cao. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập 44,6 triệu tấn than đá, với tổng giá trị hơn 3 tỉ USD.
Cắt các nguồn năng lượng gây ô nhiễm, nhất là nhiệt điện than, là việc phải làm. Quy hoạch ngành năng lượng theo hướng này một mặt nhằm thích nghi với chiến lược phát triển kinh tế xanh, sạch trong thời kỳ mới; mặt khác là thực hiện theo những cam kết với quốc tế về giảm phát thải về bằng 0 vào năm 2050.
Đến nay, phát triển xanh, sạch đã là vấn đề hiển nhiên được áp dụng gần như toàn thế giới chứ không còn là xu thế như những năm qua. Thế giới tự nhiên đã có quá nhiều cảnh báo và ngày cành khốc liệt cho việc môi trường bị xâm hại, cho lòng tham ngày ngày đào xới vào lòng đất mẹ. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được mối liên hệ không thể chối cãi giữa dịch bệnh, thiên tai, thời tiết cực đoan với những hành vi tác động thô bạo vào tự nhiên của con người.
Phát triển sạch không chỉ dừng lại ở ngành năng lượng mà phải được hiện diện trong mọi mặt đời sống xã hội. Phát triển nông nghiệp phải gắn liền với bảo vệ lợi thế tự nhiên; phát triển công nghiệp buộc phải giảm thải và trả phí bảo vệ môi trường; tích lũy tư bản phải có trách nhiệm bù đắp cho những người yếu thế... Vấn đề này không chỉ là tạo nền ý thức mới mà nó rất sòng phẳng và liên quan mật thiết tới sự sinh tồn lâu dài của từng con người, từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đã qua rồi cái thời làm giàu hồn nhiên trên sự đục khoét thiên nhiên, trên gia sản tự nhiên của thế hệ đi trước. Hiện tại trở đi, sự phát triển phải gắn với bảo tồn và nuôi dưỡng. Nó không những thể hiện mạnh mẽ trong các kế hoạch xây dựng kinh tế - xã hội của từng vùng, của quốc gia mà còn phải được thể hiện trong từng hành vi hằng ngày như nấu một ấm nước, nổ máy một phương tiện...
Mọi chuyện chưa quá muộn nên chúng ta có quyền kỳ vọng vào kỷ nguyên của sự phát triển xanh, sạch với phần còn lại của tự nhiên. Nó giúp chúng ta phát triển bền vững và để lại một gia sản đẹp đẽ cho thế hệ kế tiếp.
Theo Phạm Hồ (NLĐO)